Hoạt hình bắt đầu du nhập vào Nhật Bản cũng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Trước thành công của kỹ thuật hoạt hình của các nước Tây u, các nhà làm phim ở Nhật đã tiến tới thử nghiệm với loại hình nghệ thuật này.
Bộ phim hoạt hình đầu tiên của Nhật ra đời là Katsudō Shashin (tạm dịch là Tấm hình chuyển động). Bộ phim này dài 3 giây mô tả hình ảnh một cậu bé đội mũ đỏ viết 4 chữ kanji "活動写真" (cũng chính là tên của bộ phim hoạt hình này) sau đó nhấc mũ lên chào.
Đến năm 1917, nhiều tác phẩm hoạt hình Nhật Bản dần được xuất hiện và trình chiếu công khai trước công chúng với các tác phẩm như Yume no jidōsha, Neko to nezumi, Chokin no susume, Namakura Gatana...
Vốn là một đất nước có bề dày rộng lớn về những văn hóa nghệ thuật thanh tao, phim hoạt hình nhanh chóng được người dân Nhật đón nhận. Cho đến năm 1930, ngành nghệ thuật này đã củng cố được vị thế vững chắc của mình khi dần thay thế cho phim người đóng. Mặc dù chịu nhiều sự cạnh tranh tới từ các bộ phim hoạt hình nước ngoài nhưng nhờ có sự ủng hộ lớn từ chính phủ đương thời nên ngành hoạt hình Nhật Bản thời gian đó đã có nhiều bước tiến trong kỹ thuật hoạt hình.
Nhiều nơi trên thế giới, phim hoạt hình chủ yếu hướng đến bộ phận khán giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên đối với Anime lại khác, không chỉ dành cho trẻ em mà còn hướng đến nhiều đối tượng khán giả lớn tuổi hơn. Bởi vì, hệ thống đề tài của Anime phong phú đa dạng với các chủ đề gia đình, học đường, thậm chí tình yêu, hành động... rất phù hợp với nhiều độ tuổi.
Anime hiện tại không chỉ đơn thuần là giải trí, là chương trình chỉ dành cho trẻ em, bởi nó mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, mang cả tầm ý nghĩa lớn lao đối với Nhật Bản.
Người Nhật dùng Anime để giúp thế hệ trẻ có thêm tình yêu với lịch sử và văn hóa Nhật Bản, giúp cho thanh niên Nhật Bản quan tâm hơn đến những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước qua những câu chuyện dã sử sinh động và hấp dẫn.
Có rất nhiều bộ truyện tranh và phim hoạt hình mang đến những thông điệp sâu sắc qua những cách thể hiện tự nhiên gần gũi mà không hề giáo điều hay cứng nhắc như những bài giảng đạo đức thông thường. Trong Doraemon, nhân vật chính Nobita là một cậu nhóc có tất cả các khuyết điểm của một đứa trẻ bình thường, thông qua những câu chuyện thú vị xung quanh việc Nobita vòi vĩnh bảo bối của Doraemon để giúp mình gian lận thi cử hay chơi nổi với bạn bè, tác giả khiến các độc giả nhỏ tuổi tự biết phê phán những thói xấu của Nobita, bài học đạo đức cho trẻ nhỏ được trình bày một cách hài hước thú vị và dễ thấm.
Thông qua phim hoạt hình và truyện tranh, tác giả đã lồng ghép văn hóa Nhật Bản từ trang phục, ẩm thực, lễ hội truyền thống, lối sống, suy nghĩ, hành động, âm nhạc,... vào tác phẩm của mình, mang thông điệp ý nghĩa cuộc sống sâu sắc. Nhờ đó, văn hóa Nhật được nhiều người biết đến hơn. Người đọc biết được cách mặc trang phục truyền thống Kimono, cách chế biến những món ăn Nhật, biết lịch sử và tinh thần bất diệt của một Samurai, cách các võ sĩ kiếm đạo luyện tập, tinh thần mạnh mẽ, quyết đoán, đoàn kết của người dân xứ sở Phù Tang,....
Tại Nhật Bản, hàng năm còn tổ chức nhiều lễ hội Anime như lễ hội Comiket, lễ hội Wonder, lễ hội Cosplay quốc tế,... Trong các lễ hội này, người tham gia sẽ mặc những trang phục giống như các nhân vật Anime. Họa sĩ, diễn viên lồng tiếng, đạo diễn cũng được mời đến tham gia các lễ hội này. Đặc biệt, tại các trường đại học, trường cấp 3 tại Nhật cũng có các câu lạc bộ Manga và Anime để cùng chia sẻ và trưng bày tác phẩm. Đây cũng là nơi lý tưởng để kết bạn, trao đổi niềm vui từ hai loại hình nghệ thuật giải trí đại chúng khá trẻ trung này..
Anime giờ đây cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, hầu như không có một ai mà không có tuổi thơ gắn liền với Anime cả. Khoảng 60% Anime trên thế giới là của Nhật Bản..
Thiên đường mua sắm tại Tokyo – Akihabara được xem như thủ phủ của văn hóa Anime – Otaku, đồng thời cũng là nơi quy tụ nhiều cửa hàng chuyên về đồ điện tử với mẫu mã đa dạng và giá thành vừa phải.
Akihabara nổi tiếng khắp thế giới là khu phố quy tụ những cửa hàng chuyên về mặt hàng điện tử và cửa hàng dành cho Otaku. “Otaku” là một từ lóng trong tiếng Nhật dùng ám chỉ một ai đó quá yêu thích, say mê Anime (hoạt hình), manga (truyện tranh), Vocaloid hay trò chơi điện tử, cosplay (hóa trang), những thứ 2D (nhân vật trên giấy).
Hàng ngày, khu phố này luôn tấp nập du khách trong lẫn ngoài nước, ghé qua để tìm kiếm những sản phẩm điện tử mới nhất cũng như các vật phẩm Otaku khó mà có được ở nơi nào khác. Có thể nói, Akihabara là một trong các thiên đường mua sắm tại Tokyo, có sự hòa hợp giữa văn hóa Otaku và khu phố đồ điện tử.
Trong thời đại ngày nay, văn hóa Anime càng phát triển mạnh mẽ hơn khi các ngày hội Anime bắt đầu diễn ra. Các ngày hội Anime có thể diễn ra trong vài ngày, thu hút đông đảo của những người hâm mộ Anime và Manga muốn thể hiện niềm đam mê và sự cống hiến của mình cho Anime. Nếu có dịp hãy cùng chìm đắm trong nét văn hóa Anime đẹp đẽ này qua các lễ hội nhé, nó hứa hẹn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm khó quên trong đời này!