Xuất khẩu nhiều 'điểm sáng', song còn 'gập ghềnh' phía trước

00:00 12/10/2020

'Bức tranh' thương mại 2 tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng cao hơn khối doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 được nhận định sẽ tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng hơn 74 tỷ USD

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 2/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đạt hơn 37 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với tháng 1/2020 và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 74,02 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 2,4%, đạt lần lượt là 36,92 tỷ USD và 37,1 tỷ USD. Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại của Việt Nam ước tính nhập siêu 176 triệu USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý là kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 11,41 tỷ USD, tăng 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,51 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019.

“Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 6%, cao hơn so với tăng trưởng 0,9% của khối doanh nghiệp FDI”, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 2 tháng ước tính đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,35 tỷ USD, tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,75 tỷ USD, tăng 2,2%.

 xk

Xuất nhập khẩu trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn. Ảnh: TL

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020 của nhóm hàng cần nhập khẩu đạt 32,34 tỷ USD, tăng 1,4%. Điểm đáng mừng là trong đó đa số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn là những mặt hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như: dầu thô tăng 21,8%; xăng dầu các loại tăng 22,8%; khí đốt hóa lỏng tăng 41,1%...Thêm nữa, nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu 2,37 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Cần phát triển kênh phân phối mới qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ cuối tháng 1/2020 đến nay, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Đáng nói hơn còn ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam với các thị trường khác do hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Bên cạnh đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Trong khi đó, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch Covid-19. Tính đến đầu tháng 3, tiến độ thông quan tại một số cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng...

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định EVFTA được ký kết và sớm có hiệu lực. Gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Để hóa giải những khó khăn trước mắt, Bộ Công thương đã thực hiện nhiều giải pháp khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa, chỉ đạo các thương vụ tại các thị trường châu Á – châu Phi; châu Âu – châu Mỹ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, thị hiếu, tỷ trọng và khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, đặc biệt lưu ý tận dụng hiệu quả ưu đãi mang lại của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Đồng thời, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu trước biến động khó lường của thị trường thế giới trên cơ sở tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, kinh doanh quốc tế, quy định xuất nhập khẩu, sản xuất hàng hóa đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế… để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác.

Về phía doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thảo - Giám đốc Công ty CP Smart Agri Việt Nam kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến và xây dựng thương hiệu Việt thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả và tính minh bạch cho các hoạt động thương mại.

Đồng thời, "chúng ta cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các đối tác, sàn thương mại điện tử ở nước ngoài để tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra, phát triển kênh phân phối mới qua thương mại điện tử xuyên biên giới”, bà Thảo nhấn mạnh./.

Tố Uyên