Xuất khẩu lao động tại Phú Thọ sẵn sàng đón đầu cơ hội mở cửa khi dịch bệnh được đẩy lùi

09:01 01/11/2021

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó một trong những lĩnh vực bị tác động nặng nề là hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, song song với việc triển khai nhiều biện pháp ứng phó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Phú Thọ cũng sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện để đẩy mạnh XKLĐ khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Lớp học tiếng Hàn Quốc cho người lao động đi XKLĐ tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ
Lớp học tiếng Hàn Quốc cho người lao động đi XKLĐ tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ. 

Giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã xuất khẩu trên 13.800 người đi làm việc tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông… Giai đoạn này, thị trường XKLĐ động có nhiều thuận lợi như: Hàn Quốc cho phép tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam; Nhật Bản mở rộng các ngành nghề tiếp nhận lao động và kéo dài thời hạn làm việc của lao động nước ngoài. Do đó, nguồn kiều hối hằng năm do lao động từ nước ngoài chuyển về đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.

Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, toàn tỉnh chỉ XKLĐ được 1.750 người, đạt 70% kế hoạch năm (bằng 52,8% so với năm 2019). 6 tháng đầu năm 2021, trước làn sóng dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, chỉ có 936 lao động được XKLĐ, đạt 37% kế hoạch năm, nhiều địa phương tỉ lệ đạt rất thấp như: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập…

Bà Nguyễn Hiển Ngọc - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Phú Thọ cho biết: Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến tất cả các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Đông… đều tạm dừng tiếp nhận lao động ngoài nước. Do đó những đơn hàng XKLĐ mặc dù đã đào tạo và hoàn tất các thủ tục vẫn không thể xuất cảnh; người lao động buộc phải chờ đợi đến khi thị trường lao động các nước mở cửa trở lại. Với những lao động đã trúng tuyển nhưng chưa thể xuất cảnh, chúng tôi đã động viên tiếp tục trau dồi thêm ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa của đất nước mà mình sẽ đến làm việc, ngoài ra người lao động sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm nếu có nhu cầu. 

Người lao động tìm hiểu thông tin về XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ
Người lao động tìm hiểu thông tin về XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ. 

Chị Phạm Thị Hoa (xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng) trúng tuyển đơn hàng sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm từ đầu năm 2020, nhưng đến nay chị vẫn chưa thể xuất khẩu theo kế hoạch do các đợt dịch COVID-19 liên tiếp bùng phát. Chị Hoa cho biết: Thời gian vừa qua, tôi tập trung học tiếng Nhật cho tốt trước khi sang Nhật Bản làm việc. Với sự chuẩn bị kỹ càng cả về tay nghề và kỹ năng giao tiếp, tôi tin bản thân đáp ứng được yêu cầu công việc và mong muốn dịch bệnh ổn định để có thể thực hiện nguyện vọng của mình.

Song song với các hoạt động trên, Sở LĐ,TB&XH đã chỉ đạo các đơn vị tham gia XKLĐ tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác dự nguồn lao động; duy trì hoạt động tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng nhằm chủ động cung ứng nguồn lao động khi các thị trường có nhu cầu trở lại. Các đơn vị XKLĐ chủ động, linh hoạt trong việc tiếp cận người lao động để tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng, đào tạo thông qua các hình thức trực tuyến, qua facebook, zalo, điện thoại, website…

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) thuộc Sở LĐ,TB&XH, trừ các hoạt động đào tạo buộc phải tạm ngừng thì công tác tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu vẫn được triển khai tích cực.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm nhận định: Để sẵn sàng chuẩn bị nguồn cung khi thị trường các nước có nhu cầu lao động tăng cao, trong thời điểm này, Trung tâm tích cực trang bị đủ kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Hỗ trợ người lao động cập nhật thông tin, nâng cao sức khỏe phòng dịch. Động viên người lao động dành nhiều thời gian cho học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ôn luyện ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa và rèn luyện tác phong, kỹ năng làm việc của nước bạn để nhanh chóng hòa nhập, làm quen với công việc và thành công hơn khi tham gia làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về XKLĐ cũng được đẩy mạnh thông qua các hoạt động tư vấn trực tiếp tại Trung tâm, các sàn giao dịch việc làm, sàn giao dịch trực tuyến và website của Trung tâm.

Bà Phạm Thị Thu Hương - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Phú Thọ khẳng định: Để chuẩn bị đón đầu cơ hội khi trở lại trạng thái bình thường mới, Phú Thọ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn để các chủ trương, chính sách về công tác XKLĐ đi vào cuộc sống. Nhân rộng điển hình tốt về cá nhân đã từng tham gia XKLĐ để tạo động lực, tâm thế cho người lao động khi có cơ hội.

Cùng với đó, ngành LĐ,TB&XH chủ động nghiên cứu, định hướng, tuyên truyền đến người lao động những thị trường lao động có tiềm năng, lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, đủ tư cách pháp nhân, được phép tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và phòng tránh thiệt hại cho người lao động. Phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp để có sự chuẩn bị, bồi dưỡng tay nghề, trình độ ngoại ngữ cho người lao động để chuẩn bị nguồn lao động có thể tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế khi dịch bệnh được đẩy lùi. Khuyến khích doanh nghiệp XKLĐ đầu tư chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng và thâm nhập vào thị trường có thu nhập cao hơn, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, tích cưc hỗ trợ người lao động vay vốn cho khi tham gia XKLĐ, hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết …

PV