Xuất khẩu cao su sang thị trường Hoa Kỳ ghi nhận sự tăng trưởng tốt

11:21 25/05/2021

Những tháng đầu năm, ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng đối với việc xuất khẩu của nghành cao su tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc. Đáng chú ý, Hoa Kỳ đang tăng nhập khẩu cao su Việt Nam, trong khi giảm nhập khẩu từ các thị trường chính như Thái Lan, Indonesia.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su sang các thị trường chủ chốt phần lớn đều đạt được sự tăng trưởng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020, trừ một số thị trường có xu hướng giảm như: Nhật Bản, Malaysia, Peru, Thụy Điển… 

 Ảnh minh họa (nguồn: internet).

Tính đến hết tháng 4/2021, xuất khẩu cao su đạt 468,2 nghìn tấn, trị giá 784,4 triệu USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 103,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng trong tháng 4/2021 hay cả 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su hàng đầu của Việt Nam. Lũy kế 4 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 323,59 nghìn tấn cao su, trị giá 518,82 triệu USD, tăng 89,6% về lượng và tăng 119,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, với riêng thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu cao su Việt Nam ghi nhận những tín hiệu khá khả quan. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, 3 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 443,62 nghìn tấn cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 862,22 triệu USD.

Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Canada, Đức và Bờ Biển Ngà là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hoa Kỳ. Trong 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 10 cho Hoa Kỳ với 13,72 nghìn tấn, trị giá 23,47 triệu USD, tăng 48,6% về lượng và tăng 69,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ chiếm 3,09%, tăng so với mức 1,99% của cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam trong khi giảm nhập khẩu từ một số thị trường chính như Thái Lan, Indonesia.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, trên thị trường thế giới, trong 10 ngày giữa tháng 5/2021, giá cao su tại châu Á có xu hướng giảm so với 10 ngày trước đó.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), giá cao su tự nhiên trên toàn cầu trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ khi nhu cầu cao su tăng lên, giá dầu mỏ tăng, nguồn cung hạn hẹp và đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác. Chiến dịch tiêm chủng tích cực ở các nền kinh tế phát triển sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu cao su toàn cầu, nhất là ở những thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.

Nguồn cung cao su toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu cải thiện từ tuần cuối của tháng 5/2021. ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu trong tháng 6/2021 sẽ tăng 15,8% so với tháng 5/2021. Tuy nhiên, xu hướng tăng bị hạn chế bởi số ca nhiễm Covid-19 mới ở Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia và Sri Lanka tăng mạnh.

ANRPC cũng đề cập tới vấn đề chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung và cao su nói riêng tiếp tục bị gián đoạn ở nhiều thời điểm do tình trạng thiếu container.

Điều này dẫn đến việc giao hàng bị chậm, nguồn cung không đảm bảo, có thể buộc một số công ty ở một số nước sản xuất cao su phải thay đổi chiến lược kinh doanh, hoặc giãn thời hạn giao hàng, hoặc phải tìm kiếm nguồn cung ứng cao su trong nước, mặc dù giá cao hơn cao su nhập khẩu.

Trong tương lai xa hơn, làn sóng Covid-19 diễn biến phức tạp ở Ấn Độ, cùng với tiến độ tiêm chủng chậm ở nước này cũng như nhiều nước châu Á khác có thể hạn chế sự tăng trưởng nhu cầu cũng như sự phục hồi của giá cao su. ANRPC dự đoán, nguồn cung tăng bắt đầu từ tháng 6/2021 có thể làm hạn chế giá cao su tăng mạnh.

PV (t/h).