Xu thế mới hậu COVID-19: Các nước cẩn trọng “sàng lọc” FDI để bảo vệ nền kinh tế

00:00 12/10/2020

Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, giá trị thương mại thế giới đã giảm 3% xuống còn 31,1 nghìn tỷ USD do căng thẳng thương mại và tăng trưởng kinh tế chậm lại tại nhiều đầu tàu lớn. Nhiều chuyên gia cảnh báo, ngay cả khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, làn sóng bảo hộ vẫn sẽ duy trì và thậm chí mở rộng hơn trước nữa khi các vấn đề an ninh quốc gia được cơ bản kiểm soát.

Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng

Mặc dù lo ngại về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 đã không trở thành hiện thực, song kinh tế thế giới cũng đã không thể tái hiện sự tăng trưởng thần kỳ của thập niên 90 và đầu những năm 2000 nữa. Thế giới tài chính vẫn tiếp tục có nhiều xáo trộn; nhiều nước phương Tây phải thay đổi chính sách thương mại; các biến động địa chính trị hay sự xuất hiện của đại dịch COVID-19... đều đang khiến các nền kinh tế có khuynh hướng thu hẹp và chịu tác động của chủ nghĩa bảo hộ nhiều hơn.

Keith Rockwell, phát ngôn viên của WTO, cho rằng hậu quả kinh tế của đại dịch, bao gồm cả thương mại, sẽ rất sâu sắc. Riêng trong lĩnh vực y tế, hơn 80 biện pháp hạn chế trong xuất khẩu thiết bị y tế - khẩu trang, găng tay, máy thở và những thứ tương tự đã được áp đặt trên toàn thế giới.

Trong năm 2019, xuất khẩu hàng hóa toàn cầu đạt mức 18,89 nghìn tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt mức 19,2 nghìn tỷ USD. Gary Hufbauer, một thành viên của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington, cho biết thương mại toàn cầu sẽ giảm 24% vào năm 2020, chủ yếu do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, giảm hàng tồn kho và sụt giảm nhu cầu thị trường chung do giãn cách xã hội. "Về lâu dài - hai đến ba năm tới - chúng ta có thể sẽ thấy sự gia tăng các phản ứng bảo hộ, điều này sẽ hạn chế sự phục hồi trong thương mại một khi Covid-19 được kiểm soát", Hufbauer nói với Cơ quan Anadolu.

Chỉ ra những hạn chế đối với cả nguồn cung sản phẩm y tế và xuất khẩu nông sản, Hufbauer cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối mặt với thời kỳ phi toàn cầu hóa mới, mạnh mẽ hơn cả trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Tác động mạnh nhất của COVID-19 sẽ được phản ánh rõ ràng nhất qua thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. “Tuy nhiên, một khía cạnh của toàn cầu hóa có thể không bị ảnh hưởng bất lợi là sự phát triển của các ngành kỹ thuật số - thương mại điện tử, luân chuyển luồng dữ liệu, v.v.”, ông nói thêm.

Năm 2018, chỉ riêng Trung Quốc đã cung cấp khoảng 42% lượng xuất khẩu thiết bị bảo vệ y tế cá nhân của thế giới. Gần ba phần tư số lượng thuốc làm loãng máu nhập khẩu vào Italia đến từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng cung cấp 60% thành phần tá dược sản xuất thuốc kháng sinh của Nhật Bản. Các nước nhỏ hơn, nghèo hơn có rất ít sự lựa chọn ngoài việc xây dựng kho dự trữ. Song đối với các quốc gia và liên minh lớn và giàu có, nhiều biện pháp nhằm thay đổi hiện trạng đang được tiến hành. 

Châu Âu

Ngày 26/03, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban châu Âu đã công bố Hướng dẫn các quốc gia thành viên EU về sàng lọc các khoản đầu tư FDI. Biện pháp này bảo vệ các tài sản chiến lược của EU trong các lĩnh vực công nghệ liên quan đến sức khỏe và y tế, cùng các doanh nghiệp chiến lược bị suy yếu, khỏi nguy cơ bị phá sản và trở thành miếng mồi ngon cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này diễn ra trong bối cảnh một loạt các doanh nghiệp lớn từ hàng không đến khách sạn, đến cả các câu lạc bộ bóng đá khổng lồ của châu Âu đang tìm kiếm mọi nguồn tài chính có thể để tránh phá sản. Đây là tiền thân cho Quy định về cơ chế sàng lọc FDI tại EU, sẽ có hiệu lực từ ngày 11/10/2020 tới. Về cơ bản, các chính phủ thuộc khối EU có thể được cung cấp thông tin liên quan đến các thỏa thuận M&A trong khối, cung cấp ý kiến về việc liệu thỏa thuận đó có ảnh hưởng đến an ninh và trật tự xã hội hay không. Sau đó Ủy ban Thương mại sẽ có quyền đưa ra ý kiến chính thức về các thỏa thuận này. 

Cần lưu ý rằng các quốc gia thành viên không có nghĩa vụ thỏa mãn các mối bận tâm của các quốc gia thành viên khác hoặc Ủy ban Thương mại. Điều này là do thực tế vấn đề an ninh quốc gia là thẩm quyền riêng của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Quy chế FDI yêu cầu Quốc gia thành viên xem xét thích đáng đối với các ý kiến góp ý và sẽ khiến khoản đầu tư chịu sự giám sát chính trị bắt buộc.

Vào ngày 27/04, ông Bernd Lange (người đứng đầu Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu) cho biết: Các doanh nghiệp có thể được yêu cầu phải chuẩn bị sẵn nhiều nguồn cung cấp đầu vào để tránh sản xuất bị gián đoạn, hoặc phát triển các thỏa thuận chiến lược để giúp dây chuyền lắp ráp của họ thay đổi nhanh chóng trong trường hợp khủng hoảng xảy ra. Ngoài ra, EU còn có thể tạo ra một danh sách các hàng hóa chiến lược bắt buộc phải có nguồn cung nội khối.

Chính phủ Đức, Ý và Tây Ban Nha đều đã đưa ra các quy định thắt chặt quy trình sàng lọc đầu tư nước ngoài.

Australia

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tác động sâu sắc đến quan hệ thương mại giữa nước này với Trung Quốc và buộc Chính phủ Australia phải đối mặt với thực tế phải xây dựng năng lực quốc gia tại một loạt các ngành Công nghiệp và lĩnh vực trọng yếu. Mọi chuyện bắt đầu khi Australia đề xuất một cuộc điều tra toàn cầu độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của COVID-19 và ngay sau đó, Trung Quốc đã có những phản đối mạnh mẽ và đình chỉ nhập khẩu thị bò từ quốc gia này. 

Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham đã cảnh báo các doanh nghiệp xem xét lại rủi ro của bản thân, cũng như khuyến nghị Chính phủ đa dạng hóa thương mại và đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Chính phủ Australia cũng đang yêu cầu tất cả các khoản đầu tư nước ngoài mới hiện nay phải được phê duyệt bởi Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài (Foreign Investment Review Board). 

Ấn Độ

Quốc gia này cũng đã ban hành các hạn chế mới đối với việc mua bán sát nhập của các doanh nghiệp mang tính chiến lược quốc gia. Cùng với việc thông báo phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn virus Corona lây lan, Thủ tướng Narendra Modi cũng liên tục nhắc đến cụm từ “Tự lực cánh sinh” trong các phát biểu trước công chúng. Trong khi kêu gọi người dân biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội phát triển năng lực sản xuất tại địa phương, ông cũng nói rằng tình trạng của thế giới hiện nay là một bài học phải đưa đất nước trở nên tự lực.

Mỹ

Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, rất mong muốn đặt ra các quy tắc mua sắm, điều sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải mua các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ. Tổng thống Trump cũng đang cố gắng thuyết phục Intel và TSMC, hai công ty sản xuất chip xử lý hàng đầu, xây dựng các nhà máy mới ở Bắc Mỹ. Một cuộc khảo sát của các thành viên của Global Business Alliance, một nhóm đại diện cho các công ty con của các tập đoàn Hoa Kỳ bao gồm BMW, Nestlé và HSBC tại Washington, được công bố vào ngày 11/5 vừa qua, cho thấy 77% mong đợi nước này áp dụng nhiều biện pháp phòng hộ hơn trong vấn đề M&A xuyên biên giới, cũng như việc mua sắm của Chính phủ sau đại dịch. Khảo sát cũng cho thấy 69% doanh nghiệp cho biết họ tin rằng các nền kinh tế phát triển khác cũng sẽ chuyển sang áp đặt nhiều rào cản hơn đối với thương mại, bất chấp các kháng cáo từ các tổ chức kinh tế quốc tế như IMF để kiềm chế chủ nghĩa bảo hộ. Đây là chiến lược tốn kém về thời gian cũng như vật lực, khi trung bình phải mất 5 năm thì doanh nghiệp mới có thể đưa chi phí sản xuất quay trở lại ổn định so với việc đặt sản xuất tại Trung Quốc. 

Mỹ vừa tiến hành đàm phán thương mại với Anh nhưng chưa có động thái dỡ bỏ thuế quan đối với kim loại châu Âu vì lý do an ninh quốc gia, hoặc đánh thuế đối với các sản phẩm khác của châu Âu liên quan đến tranh chấp hỗ trợ sản xuất máy bay. Mỹ cũng đã ban hành quy chế rà soát nguồn vốn FDI với các điều kiện về an ninh Quốc gia thông qua Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (viết tắt là CFIUS).

Các hoạt động trên đều có đặc điểm chung là giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng hiện nay. Tháng 10 năm ngoái, một cuộc khảo sát của các công ty đa quốc gia  của Mỹ cho thấy khoảng 40% đang xem xét hoặc đang trong quá trình di dời sản xuất hoặc tìm nguồn cung ứng ngoài Trung Quốc. Một cuộc khảo sát khác gần đây cho thấy 24% đang có kế hoạch điều chỉnh nguồn cung ứng ra ngoài Trung Quốc do dịch COVID-19. Bản thân cách các quốc gia đương đầu với COVID-19 hiện nay cũng là cơ sở quan trọng mà các doanh nghiệp lưu tâm khi chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc.

Anh Quốc

Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Anh Quốc, GDP của Anh có thể giảm khoảng 14% và thương mại có thể sụt giảm đến 25% vào năm 2020. Đây là mức ảnh hưởng tương đối lớn với các dự báo về thương mại của Mỹ, Nhật Bản, EU hay toàn cầu. Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm sản xuất thiết bị và phụ tùng xe cộ, vận tải hàng không, du lịch và các loại hình dịch vụ. Đây là các lĩnh vực bị gián đoạn không chỉ bởi nhu cầu thị trường sụt giảm mà còn bởi nguồn cung thiếu hụt do các lệnh phong tỏa xã hội. Đặc biệt, với việc Anh rời khỏi EU, nếu quá trình đàm phán thương mại kết thúc mà ít có thỏa thuận phù hợp, nước Anh sẽ phải đối mặt với thiệt hại xuất khẩu khoảng 15% và 30% đối với ngành dịch vụ. Trong trường hợp không đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, nước Anh có thể bị thiệt hại gấp đôi con số trên.

Theo công bố hôm 19/5, Anh sẽ chính thức áp dụng thuế quan mới từ tháng 1/2021, đánh dấu sự ra đi khỏi EU mà một số quan chức Anh cho rằng đây là một hệ thống quá phức tạp. Điều này cũng tạo cơ hội cho Anh đàm phán hiệp định thương mại với cả Mỹ và EU. Anh sẽ duy trì thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu có cạnh tranh với một số ngành như nông nghiệp, ô tô và thủy sản, nhưng loại bỏ thuế quan đối với 30 tỷ bảng Anh (tương đương 37 tỷ USD) giá trị hàng nhập khẩu phục vụ chuỗi cung ứng của nước này. Anh cũng sẽ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và áp thuế 0% đối với các mặt hàng chống dịch COVID-19, trong đó có các thiết bị bảo hộ cá nhân. Trên thực tế, chính sách thuế quan mới không đáp ứng được hết kỳ vọng của phía doanh nghiệp. Đại diện một công ty hóa chất (Anh) cho hay công ty này đã được cam kết rằng thuế quan đối với các sản phẩm đầu vào của ngành hóa chất sẽ được loại bỏ, nhưng tình hình hiện nay khiến Hội đồng quản trị của công ty rất thất vọng.

Trước mắt, Chính phủ Anh đang cố gắng duy trì lợi ích của người tiêu dùng và các hộ gia đình ở Vương Quốc Anh khỏi các tác động tiêu cực sau khi rời EU, bảo vệ các ngành nông nghiệp, ô tô và thủy sản và chuỗi cung ứng trước, sau đó mới tính đến các ngành khác. 

Có thể thấy, biện pháp bảo hộ kinh tế đang được hầu hết các quốc gia, kể cả các nước trong nhóm phát triển nhất thế giới quan tâm đặc biệt. Lựa chọn và sàng lọc nguồn vốn FDI phù hợp, không chỉ liên quan đến vấn đề hồi phục, thúc đẩy kinh tế phát triển trở lại sau COVID-19. Nó thậm chí là vấn đề mang tính chiến lược sống còn, đảm bảo an ninh và sự ổn định của mỗi quốc gia. Hành động “đi trước một bước” của các nước có thể là cơ hội và kinh nghiệm, để Việt Nam – “trọng điểm” dự báo sẽ thu hút làn sóng FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc sau COVID-19 xem xét, áp dụng. 

Tương lai u ám của hoạt động thương mại thế giới

Các chuyên gia của WTO dự báo sự suy giảm do COVID-19 sẽ vượt quá sự suy thoái thương mại do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 gây ra. Khảo sát của Global Business Alliance cũng cho thấy các doanh nghiệp dự kiến mất khoảng 13,7 tháng để phục hồi tài chính sau khi dịch COVID-19 kết thúc, trong khi nền kinh tế Mỹ có thể phải mất 21,8 tháng để phục hồi. Các doanh nghiệp này còn ước tính thời gian để kinh tế toàn cầu phục hồi hoàn toàn còn lâu hơn, có thể mất đến 26,8 tháng. Các doanh nghiệp đa quốc gia cũng được cho là có sức chống chịu tốt hơn các công ty vừa và nhỏ, khi có nguồn lực tài chính tốt hơn, có thể khai thác lợi thế sản xuất từ khắp nơi trên thế giới, tái xâm nhập các thị trường quốc tế tốt hơn...

Làn sóng bảo hộ trong thời gian tới không chỉ trong lĩnh vực cung cấp thiết bị, vật tư cung cấp y tế... mà đã và đang bắt đầu ảnh hưởng đến thực phẩm. Các tác động tiêu cực của COVID-19 và hạn chế xuất khẩu trên thị trường thực phẩm đang chủ yếu được cảm nhận bởi các nước nghèo nhất. Hầu hết các quốc gia nhập khẩu phần lớn thực phẩm bị ảnh hưởng gồm Tajikistan, Azerbaijan, Ai Cập, Yemen và Cuba. Mức tăng giá lương thực tại các nước này có thể tăng trung bình từ 15% đến 25,9%. Đối với ngũ cốc, các nước phụ thuộc nhập khẩu đang phát triển và kém phát triển sẽ chứng kiến mức giá tăng lên tới 35,7%. Đây thậm chí có thể trở thành mối đe dọa đối với an ninh lương thực ở các nước đang phát triển.

Ngoài ra, tại châu Phi, các nước trong châu lục này chỉ xuất khẩu nội khối chưa đến 17% tổng xuất khẩu ra nước ngoài năm 2017 (con số tương tự là 68% tại châu u và 59% tại châu Á). Điều đó cho thấy thương mại mậu dịch với các lục địa khác có vai trò rất quan trọng đối với sự sống còn của các quốc gia châu Phi. Do đó, châu Phi nên đi đầu trong việc kêu gọi các thành viên G20 và các chính phủ khác tuân thủ tinh thần của các cam kết WTO và xem xét lại chủ nghĩa bảo hộ của mình. Những hạn chế xuất khẩu không cần thiết đối với thực phẩm, thiết bị y tế và thuốc thiết yếu có thể gây ra hậu quả sâu rộng đến hệ thống thương mại đa phương và nền kinh tế toàn cầu.

 Ths. Nguyễn Trần Minh Trí