Xu hướng phát triển dây chuyền cung ứng lạnh trong điều kiện “bình thường mới”

09:19 26/11/2020

Dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ là những phân khúc nổi bật trong thị trường này giai đoạn 2020-2025. Yêu cầu về nhiệt độ thay đổi theo các sản phẩm cụ thể buộc các công ty logistics luôn phải sẵn sàng với các tùy chọn mới cho khách hàng hoặc để đáp ứng các tiêu chuẩn mới theo quy định pháp luật.

Xu hướng trên thế giới

Theo Prnewswire, thị trường chuỗi lạnh toàn cầu được định giá 4,7 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt mức 8,2 tỷ USD vào năm 2025; tăng trưởng với tốc độ trung bình năm là 12,5% trong giai đoạn 2020-2025.

Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chuỗi lạnh là nhu cầu về các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ (dược phẩm, vắc-xin, hóa mỹ phẩm, thực phẩm). Do đó, từ đầu năm 2020 đến nay, các nhà cung cấp dịch vụ logistics chuỗi lạnh đã liên tục phải cải tiến quy trình, công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước và người tiêu dùng trong điều kiện “bình thường mới”.

Dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ là những phân khúc nổi bật trong thị trường này giai đoạn 2020-2025.

Yêu cầu về nhiệt độ thay đổi theo các sản phẩm cụ thể buộc các công ty logistics luôn phải sẵn sàng với các tùy chọn mới cho khách hàng hoặc để đáp ứng các tiêu chuẩn mới theo quy định pháp luật.

Trước mắt trong năm 2021, nếu vắc-xin phòng ngừa Covid-19 được đưa vào các chương trình tiêm chủng rộng rãi, việc vận chuyển, bảo quản vắc-xin sẽ trở thành nhu cầu cấp bách ở tất cả các quốc gia. Đảm bảo chất lượng của thuốc hoặc vắc-xin trong suốt chuỗi cung ứng là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp chuỗi lạnh trong năm 2021.

​Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục thúc đẩy Chính phủ các nước đưa ra các quy định mới, tác động đến ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, một mặt tạo điều kiện tăng trưởng mạnh, mặt khác đặt ra những yêu cầu cao hơn với dịch vụ chuỗi lạnh.

Ngoài ra, nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm sữa, rau và trái cây, cùng với việc tăng xuất nhập khẩu rau và trái cây, cũng đang thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp chuỗi lạnh trong thời gian tới.


 Phát triển dây chuyền cung ứng lạnh tại Việt Nam

​Dây chuyền cung ứng lạnh, trong đó chủ yếu là hệ thống kho lạnh đang đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh, rau quả tươi và hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa của nước ta.

Chuỗi cung ứng lạnh mang lại lợi ích thiết thực trong giảm chi phí sản xuất kinh doanh, gia tăng hiệu quả, giảm tổn thất cho các chuỗi cung ứng hàng hóa dễ hư hỏng - tỷ lệ tổn thất trung bình hiện nay là còn cao; đối với trái cây và rau quả, mức độ tổn thất có thể lên đến 35%, 45% và khoảng 25-30%, đối với các sản phẩm thủy, hải sản. Thị trường hàng đông lạnh đang phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á với dự kiến tăng lên 20 triệu USD giữa các nước lớn trong khu vực. Chi phí thuê kho dao động trung bình (0,85-1 USD/pallet/ngày).

Tuy có tiềm năng phát triển mạnh, logistics phục vụ hàng đông lạnh hiện đang còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, một trong số đó là do quy hoạch kho lạnh hiện chưa đồng bộ trong cả nước, chưa đáp ứng được yêu cầu, mới đáp ứng phần nào kho lạnh, từ 30-35% yêu cầu. Tập trung vào phục vụ xuất nhập khẩu là chính ngoài phục vụ thị trường nội địa.

​Tính đến tháng 12/2019, cả nước có 48 kho lạnh với công suất 600.000 pallets. Trong đó miền Nam có 36 kho lạnh với công suất 526.364 pallets. Miền Trung có 1 kho lạnh với công suất 21.000 pallets và miền Bắc có 11 kho lạnh với công suất 54.780 pallets. Khoảng 80% kho lạnh được lấp đầy. Tỷ lệ sử dụng kho mát thấp.

Trong năm 2020 nhiều kho lạnh khác đang xây dựng, chưa đưa vào hoạt động như: Kho Hùng Vương (Thaco) khoảng 60.000 pallet; AJ Total Long Hậu 32.000 pallet và AJ Total Hưng Yên 25.000 pallet.

Emergent Cold Việt Nam và Preferred Freezer (Quận 7) vừa có quyết định sáp nhập với Lineage Logistics, tập đoàn lớn nhất thế giới về chuỗi cung ứng lạnh, như vậy ở Việt Nam, Lineage có 3 kho, 1 kho ở Khu Công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương, 1 kho ở Quận 7 và 1 kho ở VSIP Bắc Ninh.

Về xe lạnh, cả nước có hơn 700 xe lạnh và 450 toa xe lửa chuyên chở container chở hàng lạnh. Trong đó, tính riêng Công ty Ratraco hiện có 300 container lạnh, vận chuyển đa phương thức container lạnh trong nước và quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba (Mông Cổ, Kazakhstan, Uzabekistan, Nga, Tajistan, Ba Lan, Đức, Anh). Ratraco đã phát triển container lạnh chạy dầu diesel đưa đến tận nơi sản xuất của hàng rau quả.

.

 Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý lĩnh vực logistics

Tính đến hết tháng 8/2020, đã có 200 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được kết nối, tăng 12 thủ tục so với năm 2019, với trên 3,2 triệu hồ sơ và trên 40.000 doanh nghiệp.

Với cơ chế ASW, Việt Nam cũng đã kết nối thêm với 5 nước ASEAN gồm: Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines, nâng tổng số thành viên đã kết nối lên 9 nước. Tổng số chứng nhận xuất xứ (C/O) tiếp nhận từ các nước ASEAN đạt trên 179.000 trong khi tổng số C/O gửi sang các nước ASEAN là trên 263.000.

Một số ứng dụng nổi bật trong quản lý nhà nước về logistics giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như:

Áp dụng hóa đơn điện tử: Kể từ ngày 10/11/2019, Cảng Hải Phòng đã chính thức sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hình thức hóa đơn giá trị gia tăng dạng giấy trước đây trong việc bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp khách hàng rút ngắn hơn 90% thời gian thanh toán và giúp đơn vị quản lý tiết kiệm đến 80% chi phí cho mỗi hóa đơn. Khi sử dụng hóa đơn điện tử, khách hàng không cần đến quầy giao dịch để nhận phiếu giao nhận hàng tại cảng, không cần chờ đợi nhận hóa đơn theo đường bưu điện như cách làm truyền thống mà sẽ nhận được hóa đơn trong bất cứ môi trường nào có kết nối internet. Đối với doanh nghiệp cảng biển, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giảm được thời gian tìm kiếm hóa đơn, tăng cường khả năng bảo mật, giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn, tránh được tính trạng thất lạc hóa đơn.

Ứng dụng báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam và phần mềm quản lý hàng hải: Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BGTVT quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam (QCVN 39:2020/BGTVT), có hiệu lực thi hành từ 01/11/2020. So với quy chuẩn hiện hành, các trường hợp báo hiệu đường thủy đặc biệt được bổ sung trong quy chuẩn mới cho phép ứng dụng báo hiệu điện tử, tự động để chỉ dẫn phương tiện thủy đi lại trên luồng. Theo đó, tại một số vị trí báo hiệu mực nước biến động theo thời gian, cho phép dùng các biển báo điện tử có chữ phát sáng hoặc không phát sáng để thông báo các thông tin liên quan đến tình hình luồng lạch, chỉ dẫn việc đi lại của phương tiện để đảm bảo an toàn, xác định khu vực có công trường đang hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa.

Tăng cường công nghệ đảm bảo an toàn hàng hải: Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đã đưa ra các giải pháp CNTT nhằm đảm bảo an toàn hàng hải cho 2 tuyến luồng là Vũng Tàu - Thị Vải và Cái Mép - Thị Vải. Tại luồng Vũng Tàu - Thị Vải, các hoạt động được thực hiện là: hiện đại hóa hệ thống báo hiệu hàng hải; xây dựng hệ thống trạm triều ký tự động; xây dựng hải đồ. Gần tương tự, với luồng Cái Mép - Thị Vải, CNTT được áp dụng cho các hoạt động: xây dựng hải đồ; xây dựng cổng thông tin điện tử cho cụm cảng Cái Mép Thị Vải.

Thủ tục điện tử cho tàu biển: Hiện tại người làm thủ tục đã sử dụng chữ ký số để khai báo hồ sơ điện tử thuận tiện, nhanh chóng. Ngoài ra, thủ tục điện tử cho tàu biển chở hàng xuất nhập khẩu chuyển cảng, tàu nước ngoài vận chuyển hàng nội địa mới được triển khai thực hiện từ tháng 7/2018. Trước thời điểm trên, các thủ tục này được thực hiện bằng phương thức thủ công (hồ sơ giấy).

Cảng vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra giải pháp tháo gỡ là nâng cấp thủ tục hành chính cho tàu thuyền ra vào cảng lên cấp độ 4, người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.

Trong trường hợp các hồ sơ, giấy tờ và bằng cấp chuyên môn của tàu biển, thuyền viên không có trong dữ liệu lưu trữ của phần mềm nội bộ và không tra cứu được trên các trang thông tin điện tử trong nước, quốc tế, cảng vụ sẽ thông báo đại lý tàu biển, người làm thủ tục để xuất trình hồ sơ kiểm tra. Việc xuất trình hồ sơ có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: gửi bản scan qua thư điện tử, gửi mã hồ sơ qua fax hoặc hình thức phù hợp khác (Zalo, Viber) để cảng vụ kiểm tra, xác minh và giải quyết thủ tục.

An Thảo