Xây dựng thương hiệu quốc gia: Bệ phóng cho đồ gỗ Việt

00:00 12/10/2020

Sản xuất, chế biến gỗ là ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao nếu khai thác đủ chiều sâu. Câu hỏi đặt ra là, chiến lược đầu tư xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ như thế nào để có những bước tiến dài hơi hơn trong tương lai.

Sự cần thiết

Theo các chuyên gia, thông thường, thương hiệu quốc gia gắn với một ngành hoặc một sản phẩm đặc trưng. Trong lĩnh vực đồ gỗ, ít ai biết nội thất trang bị cho phòng First Class của hãng hàng không hạng sang thế giới Emirates do người Việt Nam thực hiện. Hay khách sạn 5 sao bậc nhất thuộc vùng biển Caribbean Park Hyatt st Kitts and Nevis với những tiện nghi tuyệt hảo cũng do người Việt Nam thực hiện, chỉ với 70 công nhân nhưng đã mang lại doanh thu hơn 16 triệu USD, tương đương doanh số một năm sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của một DN có 700 người.

Khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ

Nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Nhật, Dubai, Singapore, Myanmar, Lào… đều có những công trình đẳng cấp mang dấu ấn của người Việt Nam. Trong nước, những công trình lớn như Gem Center, Park Hyatt Sài Gòn, các khách sạn 5 sao… đều có sự đóng góp của các DN trong ngành đồ gỗ bản địa. Điều này có nghĩa, người Việt Nam đã khai thác giá trị cao nhất là xuất bán cả không gian nội thất 5 sao chứ không đơn thuần chỉ gia công sản xuất hay bán sản phẩm. DN Việt hoàn toàn có khả năng khai thác giá trị cao nhất của ngành.

Nhiều tiềm năng khai thác

Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về văn hóa để xây dựng thương hiệu quốc gia. Đồng thời, hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu quốc gia gắn liền với những ngành nghề đặc trưng, đặc biệt là công nghiệp chế biến gỗ.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, nội lực của DN chế biến gỗ Việt Nam đã và đang được cải thiện rất lớn trong thời gian vừa qua, cả về tư duy quản lý sản xuất lớn theo mô hình chuyên nghiệp lẫn đầu tư công nghệ theo hướng nâng cao năng suất, giảm bớt thâm dụng lao động.

Bên cạnh đó, ngành gỗ may mắn có được nguồn nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng để sản xuất đồ nội thất xuất khẩu. Lợi thế này giúp DN liên tục xuất siêu ở mức cao trên 70%. Nhờ vậy, ngành gỗ sẽ có một chuỗi sản xuất khép kín, sử dụng hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy với năng suất bình quân khoảng 23.000 USD/người/năm, cộng thêm hơn 1,2 triệu lao động có liên quan, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

"Ngành gỗ Việt Nam cũng chỉ mới sử dụng khoảng 30 - 40% nội lực, còn rất nhiều nguồn lực chưa được khai thác như hiệu quả đầu tư công nghệ, nâng tầm quản trị, đầu tư thiết kế, phân phối thương mại, xây dựng thương hiệu… Đây là cơ hội cho DN khi phát triển" - ông Khanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu quốc gia, bên cạnh sự chủ động, sẵn sàng của DN vẫn cần thêm hỗ trợ gián tiếp từ nhà nước. Cụ thể: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đây là ngành kinh tế dân sinh, bền vững và bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, nhà nước cần có các dự án công nghiệp sáng tạo, thành lập Viện Thiết kế nội thất Việt Nam; tổ chức các giải thưởng thiết kế... để quy tụ và phát triển đội ngũ sáng tạo. Đây là kinh nghiệm mà các quốc gia ứng dụng thành công.

Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành cần khuyến khích, giúp DN ngành gỗ xây dựng thương hiệu theo các chương trình của Bộ Công Thương.

Mai Ca