WEF ASEAN 2018: Thay đổi để bứt phá và vươn lên

00:00 12/10/2020

Đa phần doanh nghiệp tự mày mò tiến hành đổi mới công nghệ theo từng phần được ưu tiên theo kế hoạch chứ không tiến hành một cách tổng thể nhằm tạo đột phá hay bước nhảy vọt trong sản xuất kinh doanh

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu phải đổi mới công nghệ. Ảnh minh họa: TTXVN

"Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu phải đổi mới công nghệ và tăng cường năng lực quản trị không phải là điều gì mới mẻ đối với mỗi doanh nghiệp. Ngay khi bước chân ra thị trường; chấp nhận đối diện với thử thách cạnh tranh và nhiều sức ép từ thể chế, chính sách; từ khách hàng và các đối thủ trên thị trường... doanh nghiệp nào cũng đều phải xác định điều này.

Tuy nhiên, thay đổi để bứt phá và vươn lên còn cần nhiều yếu tố hơn thế và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp đem lại thành công hay không lại là chuyện khác". Nhiều doanh nghiệp đã bộc bạch như vậy khi được hỏi về tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; nhận thức và mong muốn của doanh nghiệp để hiện thực hoá mục tiêu phát triển trong xu thế ấy. 

Có thể thấy rằng, ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ứng dụng một cách phổ biến những thành tựu về khoa học công nghệ; trí tuệ nhân tạo hay số hoá các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ đem lại những giá trị to lớn về kinh tế, an sinh xã hội mà còn giúp tạo diện mạo mới, phù hợp với xu thế phát triển cho đất nước. 

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp chế biến gỗ Bình Dương cho hay, đã có rất nhiều doanh nghiệp chủ động và nhanh nhạy nắm bắt xu hướng hiện đại hoá công nghệ sản xuất. Họ đã mạnh dạn đầu tư và trang bị các phần mềm thiết kế hay máy móc, thiết bị sản xuất CMC; thậm chí đưa robot vào vận hành khâu sơn sản phẩm đồ gỗ.... Đa phần doanh nghiệp đều hiểu rằng, đổi mới công nghệ chính là giải pháp tốt nhất để cải thiện năng suất lao động, ổn định chất lượng sản phẩm và giúp gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

Nhờ việc có thể giảm giá thành sản phẩm và tối ưu hóa lợi nhuận nên doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, ưu tiên kinh phí cho việc nâng chất, nâng đời cho hệ thống máy móc. Một số doanh nghiệp lớn còn rất quan tâm tới việc cải tiến và nâng cấp hệ thống quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, thuê đội ngũ lãnh đạo hay các giám đốc điều hành (CEO) để quản lý tốt nhất, vận hành tốt nhất ở mọi khâu trong nội bộ doanh nghiệp. 

"Tuy nhiên, có một thực tế là, phần đông doanh nghiệp chỉ tự mày mò là chính; tiến hành đổi mới công nghệ theo từng phần được ưu tiên theo kế hoạch chứ không tiến hành một cách tổng thể nhằm tạo đột phá hay bước nhảy vọt trong sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp còn loay hoay và chịu sự phụ thuộc về nguồn tài chính nên còn dè dặt, chưa mạnh dạn đổi mới." , ông Thanh cho biết. 

Chính phủ chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nên nhiều ngân hàng thương mại đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xét duyệt hồ sơ cho vay; chấp nhận tín chấp và dễ dàng hơn với các điều kiện cho vay. Nhưng lãi suất tín dụng vẫn còn cao là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với nguồn tài chính này để đầu tư nâng cấp trang thiết bị máy móc hay mở rộng sản xuất. 

Ông Lê Xuân Tế, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Hiếu Hằng, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Quảng Bình cho biết, hưởng ứng làn sóng hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang rất hào hứng với phong trào này. Họ không chỉ hiểu rõ mà còn bày tỏ mong muốn được trải nghiệm, được hỗ trợ để tiếp cận và đổi mới công nghệ thực sự. 

Trong một năm qua, doanh nghiệp được nghe, được tuyên truyền khá nhiều về Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhưng họ vẫn chờ đợi những động thái cụ thể hơn, những việc làm và hành động rõ ràng hơn từ Chính phủ và các đơn vị, bộ ngành để dẫn dắt doanh nghiệp tìm hướng đi nhanh mà hiệu quả trong xu thế mới. 

"Cơ bản, đây phải là điều mong muốn của toàn hệ thống chính trị và khi vận dụng phải vận dụng cho toàn hệ thống doanh nghiệp, chứ không thể mạnh ai nấy làm và không thể trên nóng dưới lạnh như cách làm hiện nay." ông Tế nhấn mạnh. 

Đồng tình với quan điểm của ông Thanh về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiếp cận với đổi mới công nghệ, ông Tế cho biết thêm, để bắt nhịp với làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0, hiện tại không chỉ thiếu người truyền lửa, thiếu cách thức dẫn dắt doanh nghiệp và phương pháp triển khai sao cho hiệu quả. Nhiều khi doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Cũng có một số doanh nghiệp tiên phong, nhưng chỉ là thiểu số và họ luôn có những ưu thế hơn hẳn đa phần doanh nghiệp khác. 

Khi xuất phát điểm khác nhau thì con đường đi tới, cách thức tiếp cận và định hướng phát triển cũng khác nhau, ông Tế lưu ý. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp đang rất cần sự ủng hộ; sự nhiệt thành và tận tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước và những chính sách thật cụ thể, rõ ràng với những cơ chế ưu đãi, khuyến khích sao cho đủ động lực để doanh nghiệp tự tin sẽ không đơn độc trước làn sóng cách mạng số hiện nay. 

Từng nhiều năm làm cán bộ quản lý Nhà nước và nay là Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, PGS. TS. Nguyễn Thị Thuận bày tỏ những trăn trở về cách thức triển khai Cách mạng Công nghiệp 4.0 tới cộng đồng doanh nghiệp. 

"Không nên chỉ là những lời kêu gọi. Doanh nghiệp cần nhiều hơn thế. Điều họ quan tâm lúc này là Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ giúp họ như thế nào; bán hàng ra làm sao; giải pháp nào giúp hiện đại hoá trong sản xuất; giải pháp marketing để tiếp cận với thị trường thế giới hoặc mở rộng thị phần trong nước sao cho hiệu quả... Cách mạng Công nghiệp 4.0 cần được truyền tải thông điệp một cách rõ ràng hơn, không thể hời hợt và bề nổi như cách tuyên truyền hiện nay", bà Thuận lưu ý. 

Doanh nghiệp đang cần những câu trả lời từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 để giúp họ thoát ra khỏi những áp lực về những vấn đề như quản trị, chất lượng sản phẩm, tín dụng, lao động, thị trường..... Bởi, có tới 97% tổng số doanh nghiệp trong cả nước thuộc quy mô nhỏ và vừa, nên làn sóng này phải tạo sức lan tỏa và thẩm thấu tới mọi thành phần doanh nghiệp. Các cơ quan làm chính sách cần tạo cầu nối và phải kết nối được nguồn cung các thành tựu về khoa học công nghệ với nhu cầu của các doanh nghiệp. Rút ngắn được khoảng cách giữa họ, mới đem lại giá trị đích thực; hạnh phúc thực sự cho nhiều người..., bà Thuận nhấn mạnh. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chính phủ đã chủ trương và ban hành nhiều chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; trong đó, đưa ra nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng công nghệ thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh... Cùng với đó, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp để chủ động nắm bắt cơ hội, triển khai các giải pháp thiết thực để tận dụng lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam. 

"Do đó, để hoà chung trong xu thế ấy, cộng đồng doanh nghiệp cần có chương trình hành động cụ thể để đồng hành với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh và nỗ lực đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó thực là những việc cần làm ngay lúc này.", ông Lộc khuyến nghị.
/. 

Thạch Huê