Vực doanh nghiệp, mới phục hồi kinh tế

00:00 12/10/2020

Trao đổi với ĐTTC, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng điều quan trọng nhất là các chính sách của Chính phủ phải đồng bộ và kịp thời để giữ các doanh nghiệp (DN) “sống”, không bị phá sản do tác động cực đoan từ dịch Covid-19, bởi DN chính là hạt nhân để phục hồi tăng trưởng kinh tế sau này.

Ông nhận định thế nào về triển vọng nền kinh tế thời gian tới và khả năng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát?

Tôi cho rằng nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài, chắc chắn nền kinh tế nước ta sẽ càng lún sâu vào khủng hoảng. Trong trường hợp may mắn, là nếu chúng ta kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 6-2020 kinh tế có thể hồi phục nhờ những gói hỗ trợ Chính phủ đã tung ra thời gian qua.

Nhưng ở kịch bản xấu hơn, là dịch vẫn kéo dài, nền kinh tế tiếp tục bị tác động nặng nề. Lúc ấy, những gói hỗ trợ DN Chính phủ đã rót là không đủ. Chưa kể, ngay cả khi đó bơm các gói cứu trợ vào thị trường cũng không hiệu quả vì sản xuất kinh doanh đã bị ảnh hưởng, chúng ta đẩy lượng tiền rất lớn vào lưu thông trong khi không có sản phẩm, sẽ dẫn đến lạm phát leo thang. 

Vực doanh nghiệp, mới phục hồi kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa.

Dù không quá lạc quan, tôi vẫn hy vọng sẽ có được kịch bản kinh tế tốt nhất. Đó là dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào tháng 6 và kinh tế lấy lại đà phục hồi tăng trưởng. Mức tăng trưởng chung cho cả năm có thể ở mức 4,0% hoặc hơn một chút. Nhưng ở khía cạnh khác, ngay cả khi tình hình dịch bệnh trong nước được chúng ta kiểm soát và sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, còn tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn trong tình trạng tê liệt, nền kinh tế nước ta vẫn bị ảnh hưởng.

Bởi Việt Nam là quốc gia dựa vào xuất khẩu, khi sản xuất phục hồi nhưng thị trường đầu ra không có sẽ là khó khăn lớn cho nhiều DN. Bởi vậy, khi xem xét tình hình chung, theo tôi mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đặt ra từ đầu năm rất khó thành hiện thực, chúng ta nên điều chỉnh lại cho phù hợp.

Có ý kiến cho rằng trong số các chính sách nhằm cứu nền kinh tế hiện nay, việc cứu DN nên được xem là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Bởi lẽ, bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào việc giữ cho các DN “sống”, không bị phá sản là thành công lớn. Giống như một trận đánh chúng ta cần phải giữ được lực lượng. Lực lượng ở đây là con người, là lao động, là lực lượng sản xuất. Nên các giải pháp cứu nền kinh tế, cuối cùng mục đích vẫn phải nhắm đến là chăm lo đời sống người lao động và sức khỏe của DN, để sao cho họ có thể vượt qua được khủng hoảng. 

Hiện Chính phủ đã công bố 3 gói cứu trợ chính là gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, gói tài khóa 180.000 tỷ đồng và gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, tổng cộng 542.000 tỷ đồng, tương đương 8% GDP của Việt Nam. Đây được xem là mức hỗ trợ vừa phải đối với nền kinh tế, nếu so với gói cứu trợ 2.200 tỷ USD của Mỹ tương đương 10% GDP của họ. Nhưng hiện mới chỉ có gói hỗ trợ tín dụng trị giá 300.000 tỷ đồng đang được giao cho các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai. Tức đây không phải gói của Chính phủ, mà Chính phủ giao NHTM tham gia, bằng vốn của họ để hỗ trợ DN, không phải tiền của ngân sách.

Vấn đề là dù gói hỗ trợ nào cũng cần phải hiện thực hóa càng sớm càng tốt, tiền phải đến tay DN. Đây đang là thời điểm “vàng” để giải cứu họ, còn nếu để kéo dài hết tháng 4 sẽ có rất nhiều DN ngừng hoạt động. Khi nhiều DN rời khỏi thị trường, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch bởi thiếu hụt nguồn lao động sản xuất để tái tạo nền kinh tế mạnh mẽ, nhanh chóng.

Có quan điểm cho rằng việc giải cứu DN nên có sự chọn lọc, phải chia ra từng nhóm cụ thể, không nên phủ đều. Ông nghĩ sao?

Các gói cứu trợ kinh tế có phát huy hiệu quả hay không, tôi cho rằng quan trọng là phải đến đúng đích, đúng đối tượng. Đối với nhóm DN sản xuất, hiện nay đang rất cần vốn để tái sản xuất. Với DN bất động sản, tôi cho rằng vẫn cần có những gói hỗ trợ, nhưng cũng cần phân loại nhóm này thành những đối tượng cụ thể. Thị trường bất động sản từ năm 2019 đến nay đang lâm vào khó khăn và rất có thể sẽ lâm vào khủng hoảng trong thời gian tới. Có lúc cung vượt cầu, có lúc cả hai đều nóng, rồi có lúc cầu lại giảm sâu. Thời gian từ cuối tháng 3 đến nay, với các biện pháp cách ly của Chính phủ, thị trường bất động sản trong nước gần như đóng băng, nhiều dự án lớn bị ngưng trệ hoặc thiếu vốn, thiếu lao động.

Tôi không nhìn thấy phân khúc nào của bất động sản cầu đang tăng, trừ phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp luôn luôn có nhu cầu. Tất cả phân khúc thị trường như nhà ở cao cấp, nghỉ dưỡng, thương mại, công nghiệp đều đang trên đà lao dốc. Dù chúng ta không muốn vẽ lên bức tranh toàn màu xám, nhưng thực tế đang cho thấy thị trường bất động sản đang rất lao đao. Do đó, đối với các nhà đầu tư, hãy cẩn thận khi rót vốn vào bất động sản ở thời điểm này. 

Về phía Chính phủ, theo tôi những dự án cần được cân nhắc kỹ càng. Theo đó, đối với những công trình lớn có tính bắt buộc, có ý nghĩa đối với kinh tế, dân sinh vẫn phải tiếp tục triển khai và Nhà nước cần có những nguồn vốn thích hợp để hỗ trợ DN. Với những dự án tầm quan trọng không quá cần thiết, Nhà nước không nên đưa vào nhóm hỗ trợ về vốn, bởi tiềm ẩn những rủi ro cao.

- Xin cảm ơn ông.

Sơn Thủy