Vụ thu hồi thuốc tim mạch có chất gây ung thư: Dược phẩm TW2 “họa vô đơn chí”

00:00 12/10/2020

Tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, Dược phẩm TW2 chịu cảnh “họa vô đơn chí” khi liên tục dính lùm xùm liên quan đến chất lượng thuốc.

Nhiều lần bị “tuýt còi”

Mới đây, cục Quản lý Dược (bộ Y tế) đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo việc thu hồi thuốc sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical của Trung Quốc sản xuất.

Hành động này diễn ra sau khi cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), cơ quan Quản lý Dược Canada và nhiều nước đã có thông báo chính thức thu hồi số thuốc chứa Valsartan của Trung Quốc do có tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) - nguy cơ gây ung thư.

Theo đó, cục Quản lý Dược đã lên danh sách 8 doanh nghiệp bị buộc phải thu hồi tất cả các tên thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan của Trung Quốc.

Thuốc Valsartan STADA 80 mg của công ty TNHH STADA Việt Nam bị thu hồi vì chứa chất cấm gây ung thư sản xuất từ Trung Quốc

Đó là công ty CP Dược phẩm Cửu Long (Vĩnh Long), công CP Dược phẩm Trung ương 2, công ty CP Hóa dược Việt Nam (Hà Nội), công ty CP Dược phẩm OPV (Đồng Nai), công ty CP Nhập khẩu Y tế DOMESCO (Đồng Tháp), công ty CP PYMEPHARCO (Phú Yên), công ty TNHH Liên doanh STADA Việt Nam (TP.HCM) và chi nhánh ở Bình Dương.

Đáng chú ý, công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2 (mã chứng khoán: DP2) là đơn vị thời gian gần đây liên tục vướng các lùm xùm vì bị phạt, rút giấy phép…

Mới đây, tháng 4/2018, DP2 bị phạt tiền 70 triệu đồng về hành vi sản xuất thuốc không đạt yêu cầu chất lượng. Cụ thể, thuốc Seared 4200IU, SĐK: VD-21906-14, số lô 00316, ngày sản xuất 9/12/2016, hạn dùng 9/6/2018 không đạt yêu cầu chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật.

Thuốc chống phù nề thuốc Seared 4200IU do Dược phẩm TW2 sản xuất từng bị thu hồi, tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng

Đi kèm với quyết định phạt tiền này, DP2 còn bị thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với phạm vi sản xuất thuốc Seared 4200IU, SĐK: VD-21906-14 trong thời gian 3 tháng.

Trước đó, vào tháng 7/2015, thuốc viên nén phân tán Doxferxime 200 DT (Cefpodoxime Proxetil Dispersible Tablets 200 mg) do Dược phẩm Trung ương 2 nhập khẩu cũng bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hoà tan. Lô thuốc này do công ty Elegant Drugs Pvt., Ltd. (Ấn Độ) sản xuất.

“Họa vô đơn chí”

Công ty Cổ phần Dược phẩm trung ương 2 (địa chỉ số 9 phố Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội), tiền thân là xuởng sản xuất quân dược được thành lập năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc, sau đó chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2005.  

Lô đất "vàng" trụ sở cũ của Dược phẩm TW2 tại số 9 Lê Thánh Tông

Thời gian gần đây, DP2 có tình hình sản xuất kinh doanh vô cùng bết bát. Theo báo cáo mới nhất của công ty công bố tại đại hội cổ đông thường niên 2018 diễn ra hồi tháng 4/2018 thì doanh thu năm 2017 đạt hơn 150 tỷ đồng (tăng 41% so với 2016), tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 14 triệu đồng (năm 2016 lỗ 7,5 tỷ đồng).

Đáng nói là khoản lãi èo uột trên cũng chưa phản ánh được đầy đủ tình hình bết bát của DP2 khi mà giá vốn hàng bán cùng các chi phí đã ngốn gần hết doanh thu và khoản lỗ để lại từ các năm trước.

Thực chất thì các chỉ số kinh doanh của năm 2017 đã được bù đắp bởi những doanh thu khác như: Lợi nhuận thu được từ việc chuyển nhượng 1.300 cổ phần trị giá gần 4,5 tỷ đồng, lãi tiền gửi từ việc phát hành tăng vốn là hơn 1,2 tỷ đồng, lãi cho vay gần 1,6 tỷ đồng…

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DP2 hiện đang được giao dịch ở mức giá 9.100 đồng/ cổ phiếu, giảm 50% so với thị giá một năm trước đây (hôm 18/7/2017, cổ phiếu DP2 có mức giá 18.200 đồng/cổ phiếu).

Thậm chí, từ 11/4/2018, mã này còn rơi vào tình trạng bị hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2017 của công ty.

Theo đó, số lượng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch là 20 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 200 tỷ đồng, chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Không những làm ăn bết bát, liên tục bị phạt, bị thu hồi sản phẩm, rút giấy phép, cổ phiếu giảm giá và bị hạn chế giao dịch, những dự án đầu tư ngoài ngành của DP2 cũng gặp hết trở ngại này đến trở ngại khác.

Thực chất, hoạt động kinh doanh của công ty này trở nên sa sút khi bắt đầu đầu tư ngoài ngành, cụ thể là bất động sản. Sau khi di dời trụ sở ra khỏi “khu đất vàng” 11.000 m2 ở số 9 Trần Thánh Tông (vốn là khu Zone 9), DP2 đã cùng một đối tác đầu tư xây tổ hợp nhà ở, trung tâm thương mại tại khu đất này. Tuy nhiên, sau đó các cổ đông, đối tác của DP2 bị "vỡ mộng" khi bộ Quốc phòng đề xuất xin khu đất để mở rộng nhà tang lễ số 5 Lê Thánh Tông và dự án bị thu hồi. 

Hiện tại, lãnh đạo công ty cho biết phía đối tác đang tích cực tác động nhằm giữ đất hoặc thương thảo đền bù.

Ngoài ra, hai dự án đầu tư khác của DP2 hiện không được suôn sẻ lắm. Dự án tại Quang Minh hiện vẫn ngổn ngang chưa hoàn tất bởi một số khúc mắc hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc, dự án tại 43 Vĩnh Tuy đã bàn giao cho đối tác quản lý và giữ đất nhưng hiện chưa xin được dự án.

Danh sách thuốc bị thu hồi do chứa NDMA gây ung thư:

- Công ty CP Dược phẩm Cửu Long: thuốc Valsartan 80 mg

- Công CP Dược phẩm Trung ương 2 (Hà Nội): thuốc tim mạch Tolzartan Plus 160 mg

- Công ty CP Hóa dược Việt Nam (Hà Nội): thuốc tim mạch Ocedio 80 mg

- Công ty CP Dược phẩm OPV (Đồng Nai) bị thu hồi 7 loại thuốc trị tim mạch, phù do suy tim và huyết áp, (gồm: Opevalsart 40 mg, Vasaratim 80mg, Vasaratim Plus 160:25, Vasaratim 40 mg, Halotan hoạt chất 40/80/160 mg, Opevalsart 80, Vasaratim 160)

- Công ty CP Nhập khẩu Y tế DOMESCO (Đồng Tháp); 3 thuốc: Doraval 80 mg, Doraval plus 160/25 mg, Oraval plus 80/12,5 mg - Công ty CP PYMEPHARCO (Phú Yên) thu hồi 4 thuốc Pyvasart hàm lượng 40/80/160 mg và thuốc Pyvasart HCT 80/12.5 mg.

- Công ty TNHH Liên doanh STADA Việt Nam (TP.HCM) thu hồi 4 thuốc Valsartan STADA hàm lượng 40/80/160 mg.

- Chi nhánh công ty STADA Việt Nam ở Bình Dương thu hồi 2 thuốc Valsartan STADA 40 mg, Valsartan STADA 80 mg.

Minh Minh