Vụ án Alibaba: Ban hành kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm

05:38 02/04/2021

Ngày 1/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.

Vụ án “con voi chui lọt lỗ kim”

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba - cùng 22 đồng phạm về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba

Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.

Trong số 22 bị can nói trên, đáng chú ý có Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện, là Giám đốc Công ty Alibaba Tân Thành) và Võ Thị Thanh Mai - vợ của Luyện, là Giám đốc Công ty địa ốc Alibaba Law Firm.

Kết quả điều tra cho biết, Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đã thành lập ra 22 pháp nhân, tự "vẽ ra" 58 dự án bất động sản tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu sau đó tự chia lô, tách thửa rồi lừa bán cho hàng ngàn người.

Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 3.924 đơn trình báo, tố giác tội phạm từ người bị hại về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm. Tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 2.373 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 2/2021, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ cho Cơ quan công an cùng cấp để điều tra bổ sung Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Việc trả hồ sơ nhằm điều tra bổ sung một số vấn đề liên quan đến giám định tài sản, giám định số vàng thu được tại trụ sở Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.

Được biết liên quan đến vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh cũng đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.

Góc nhìn của một Đại biểu Quốc hội

Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm chú ý của đông đảo dư luận trong cả nước.

Lực lượng chức năng khám xét trong vụ án
Lực lượng chức năng thực hiện khám xét trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba. (Ảnh: CQCA cung cấp)

Đáng nói, qua vụ án này, dư luận đặt câu hỏi về năng lực quản lý đất đai của chính quyền và các cơ quan chức năng ở các địa phương.

Mới đây nhất, phát biểu tại buổi họp Quốc hội sáng 29/3, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng đã nhắc đến vụ án "vẽ dự án ma" rồi lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tán thành việc báo cáo của Chính phủ nêu ra 3 hạn chế lớn, trong đó có hạn chế trong kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, công sản, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản còn bị buông lỏng ở một số nơi.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, sai phạm trong quản lý tài nguyên, công sản, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản không chỉ ở mức độ kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng mà có những sai phạm xảy ra nghiêm trọng, có hệ thống ở nhiều nơi. Chính phủ cần đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng và chỉ ra đúng nhược điểm để tìm ra giải pháp chấn chỉnh.

Bà Thúy lấy ví dụ vụ án Công ty địa ốc Alibaba lừa bán dự án "ma" để minh chứng: công ty này mua đất diện tích lớn, bất chấp là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, đất rừng và nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang, vẫn san ủi, "vẽ" dự án bán cho hàng nghìn khách hàng.

“Nếu hệ thống thông tin đất đai tốt thì ai bán đất cho ai, người dân chỉ cần lên hệ thống kiểm tra là rõ ngay về pháp lý. Việc thực thi pháp luật kém có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, HĐND, nhưng trách nhiệm chính của Chính phủ, UBND các cấp. Tôi mong Chính phủ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết khắc phục tình trạng này”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

“Theo ý kiến của cử tri, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương còn thiếu minh bạch. Ở các nước bản đồ địa chính công khai từ lâu, dân cứ đến cơ quan nộp ít lệ phí là xem được nhưng chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định về công khai thông tin. Điều này dẫn đến đủ loại rủi ro, mà người thiệt hại nhất là dân”, đại biểu Thúy nhấn mạnh.

Trần Linh (T/h)