Vốn ngoại vào dệt may: Nguy hay cơ?!

00:00 12/10/2020

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, vốn ngoại vào dệt may chỉ chững lại tạm thời trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong ngành này là có và sẽ tiếp diễn, nhưng chưa phải trong thời điểm hiện tại.

von ngoai vao det may nguy hay co

Covid-19 lực hãm vốn ngoại vào dệt may thời điểm hiện tại cũng là lực đẩy để việc dịch chuyển diễn ra nhanh hơn

FDI chững lại nhưng sẽ sớm dịch chuyển

Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 9 tháng đầu năm 2020, chưa có khoản đầu tư lớn nào từ nước ngoài vào ngành dệt may nước ta. Xu hướng này khá trái ngược so với giai đoạn 5 năm liền kề trước đó (2015-2019), khi vốn ngoại tấp nập đổ bộ vào các dự án trong ngành dệt may. Cụ thể, kỷ lục vốn FDI vào dệt may đã được ghi nhận trong năm 2015 với 189 dự án, tổng vốn đạt 4,13 tỷ USD. Năm 2016 số lượng dự án đạt kỷ lục là 234 dự án, nhưng số vốn giảm còn 2,57 tỷ USD. Sang tới năm 2017-2019, vốn FDI vào dệt may giảm xuống song vẫn đạt mỗi năm từ 1,5 tỷ đến hơn 2 tỷ USD.

Sở dĩ vốn FDI vào dệt may tăng mạnh từ năm 2015 là bởi các DN nước ngoài đã đón đầu cơ hội mang lại từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 tới nay, dự án FDI mới trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi, dệt nhuộm không còn tấp nập như thời gian trước. Vitas đánh giá, vốn ngoại vào dệt may chỉ chững lại tạm thời trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong ngành này là có và sẽ tiếp diễn, nhưng chưa phải trong thời điểm hiện tại.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Vitas nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang kéo nhu cầu thị trường xuống thấp, sẽ tiềm ẩn không ít rủi ro đối với NĐT, do đó việc thận trọng trong quyết định đầu tư là điều dễ hiểu. “Rất khó để có dòng vốn FDI mới vào dệt may tại thời điểm này, bởi nhu cầu thị trường đang xuống rất thấp. Các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU vẫn đang chật vật chống dịch, sức mua chưa tăng trở lại”, ông Cẩm phân tích. 

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas cho rằng, dịch Covid-19 vừa là lực hãm vốn ngoại vào dệt may thời điểm hiện tại, song trong tương lai đây cũng là lực đẩy để việc dịch chuyển diễn ra nhanh hơn. Hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc được xem là những cường quốc dệt may hàng đầu thế giới. Song các nước và vùng lãnh thổ này đang giảm dần sản xuất trong lĩnh vực dệt may. Do đó, việc chuyển dịch chuỗi sản xuất dệt may từ các quốc gia này là điều tất yếu. “Việt Nam là thị trường có nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự dịch chuyển đầu tư này”, ông Giang nói.

Trên thực tế là sự dịch chuyển dòng vốn trong lĩnh vực dệt may cũng không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á, mà còn đến từ các nước châu Âu như Ý, Đức, Nga, điều mà những người làm trong ngành này trước đây không hề nghĩ tới. Điển hình là các DN đến từ Ý đã rót vốn đầu tư tại cụm sản xuất quy mô lớn từ sợi - dệt - nhuộm - may tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và dự án nhà máy dệt ở Khu công nghiệp Phố Nối, tỉnh Hưng Yên. “Dòng dịch chuyển đầu tư từ nay đến 2025 sẽ rất nhanh, nhất là khi EVFTA vừa có hiệu lực, đặc biệt sau khi đại dịch được kiểm soát”, ông Giang dự báo. 

Đẩy mạnh đầu tư để tận dụng FTA

Các chuyên gia và DN trong nước kỳ vọng, sự dịch chuyển sản xuất của NĐT nước ngoài sẽ hỗ trợ ngành dệt may trong nước gia tăng tỷ trọng phần cung ứng bị thiếu hụt. Khi đó, các DN trong nước gia tăng được tỷ lệ nội địa hóa, từ đó được hưởng các ưu đãi đầu tư theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do. Hiện nay thị trường nội địa chỉ đáp ứng được gần 50% giá trị sản xuất của ngành dệt may, với sự gia tăng dịch chuyển đầu tư của các nước thì ngành này đặt mục tiêu có thể nâng tỷ lệ lên mức gần 70% trong thời gian tới.

Theo báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa”, do Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và Tổ chức ActionAid tại Việt Nam (AAV) thực hiện, nếu sắp xếp theo cơ cấu sản xuất, trong ngành dệt may có 40% là DN trong lĩnh vực dệt-nhuộm, 60% trong lĩnh vực may. Về cơ cấu sở hữu, DN FDI chiếm khoảng 12% tổng số DN ngành dệt may, các DN có vốn nhà nước chỉ chiếm 1% tỷ trọng; có hơn 80% là DN nhỏ, siêu nhỏ. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ, song năng lực của khối DN FDI đang vượt trội so với DN trong nước. “Đối với các DNNN lớn có truyền thống trong ngành dệt may, có thể thấy hiện tượng rõ nét là DN dệt may Việt Nam mới chỉ lớn về lao động chứ không phải về vốn, còn DN tư nhân nhỏ cả về lao động và vốn; trong khi FDI thì ngược lại”, TS. Phạm Sỹ Thành - thành viên nhóm nghiên cứu nhận định. 

Các DN dệt may trong nước đánh giá, vốn FDI chuyển dịch mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua đã giúp DN Việt Nam gia tăng giá trị sản xuất, thoát khỏi cảnh làm gia công theo đơn đặt hàng. Trên thực tế, tỷ trọng DN trong ngành dệt may trong nước làm thuần gia công đã giảm nhiều, chuyển dần sang làm FOB hay OEM. Tuy nhiên, con số thực tế cho thấy vẫn cần có sự đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ hơn. 

Bởi theo báo cáo của nhóm nghiên cứu MCSS, hiện nay khoảng 60% DN dệt may Việt Nam vẫn đang sản xuất theo hình thức CMT, tức là gia công cắt may và đóng gói đơn giản; chỉ có khoảng 30% là làm theo hình thức FOB; 5% là OBM có thể tự thiết kế, tự chủ. Đối với hình thức CMT, lợi nhuận thuần chỉ đạt khoảng 1-3% doanh thu, FOB đạt 3-5% và OBM là 5-7%. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, mặc dù dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực mà các DN trong nước có lợi thế, song lợi nhuận thuần của ngành này chỉ tương đương khoảng 3% giá trị xuất khẩu; khoảng 2/3 DN trong ngành có lợi nhuận cực kỳ thấp. 

Cho rằng thời gian tới các DN trong ngành dệt may cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho ngành, TS. Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh: “Để làm được việc đó, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các DN, Nhà nước cần có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp”. Bên cạnh đó, cần tận dụng hiệu quả các FTA nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút dịch chuyển đầu tư FDI vào sản xuất nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu về qui định xuất xứ. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải ký một FTA song phương với Canada vì đây là thị trường xuất khẩu may mặc tiềm năng, quy mô lớn.

Khanh Đoàn