Vĩnh Phúc: Triển khai chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động

13:52 15/09/2021

Trong giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 207 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc “về một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh”, đây là một trong những chủ trương, chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động, góp phần giảm nghèo, ổn định, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 123.009 lao động, trong đó giải quyết việc làm trong nước cho 113.721 người, đưa 9.288 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cơ cấu giải quyết việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực: Giải quyết việc làm trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cho 56.201 lao động; trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho 23.179 lao động; trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ cho 34.341 lao động. 

  Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc

Việc triển khai vay vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 207 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ, khuyến khích người lao động tạo việc làm mới, tự giải quyết việc làm trong nước. Với cách triển khai cho vay đúng nhu cầu, nhiều hộ gia đình có cơ hội mở rộng, phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, có nhiều cách làm mới trong trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả cao, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện.

Cũng theo báo cáo. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã cho 11.382 hộ vay vốn tạo việc làm tại chỗ với 447 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12.357 lao động; tiếp nhận 6.301 hồ sơ hoàn thiện đủ điều kiện và đã chi trả hỗ trợ chi phí cho lao động xuất khẩu. Tác động từ chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 207 giúp thị trường tiếp nhận lao động có sự chuyển biến rõ nét. Từ cuối năm 2018, lần đầu tiên thị trường Nhật Bản đã vượt qua Hàn Quốc và Đài Loan, trở thành nước tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất. Theo đó, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chia theo thị trường là Nhật Bản: 4.822 lao động, chiếm 51,9%; Đài loan: 1.826 lao động, chiếm 19,6%; Hàn Quốc: 433 lao động, chiếm 4,6%; còn lại là các thị trường khác. Chất lượng, trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp, thu nhập của lao động xuất khẩu được nâng cao rõ rệt.

Thế nhưng đến cuối năm 2020, Nghị quyết 207 của HĐND tỉnh hết hiệu lực, dẫn tới công tác giải quyết việc làm của tỉnh nói chung và chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm nói riêng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trước yêu cầu đối với công tác giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là mỗi năm tạo việc làm cho từ 16-17 nghìn việc làm mới. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến việc làm, thu nhập của người lao động, sự đóng cửa của các thị trường tiếp nhận lao động cũng như tâm lý e dè của người lao động đối với các thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, giải quyết việc làm luôn được tỉnh xác định là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động trong nước và ngoài nước, UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới về “Một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, Nghị quyết mới này sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm mới từng năm và cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

 DT