Vĩnh Phúc: Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp

09:45 14/09/2021

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, không chủ quan lơ là, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường phòng chống dịch.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến 15h ngày 9/9, tổng số ca mắc COVID-19 của tỉnh tính là 234 trường hợp, đặc biệt tính từ ngày 19/8/2021 đến nay trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca mắc mới, tuy nhiên dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp tại một số tỉnh, thành trên cả nước và một số tỉnh thành lân cận, nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài và bùng phát từ bên trong vẫn còn rất cao. 

  UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều văn bản tăng cường phòng chống dịch.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, qua đó nhằm nhanh chóng triển khai, cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp các chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một cách sớm nhất.

Theo văn bản số 7807/UBND-CN3 ngày 07/9/2021, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp: Không tổ chức để cán bộ, chuyên gia, công nhân di chuyển ra khỏi tỉnh Vĩnh Phúc đến các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố đang có dịch và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để thực hiện tiêm vắc xin. Đối với các trường hợp doanh nghiệp cho người lao động đi tiêm ngoài địa bàn tỉnh khi quay trở về phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định (xét nghiệm bằng phương pháp PCR âm tính trong vòng 72 giờ, cách ly y tế tập trung,…) và chủ doanh nghiệp phải tự trả kinh phí xét nghiệm, cách ly. Chủ doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra dịch bệnh xuất hiện tại doanh nghiệp hoặc xuất phát từ chuyên gia, người lao động của mình. 

Đối với các doanh nghiệp thực hiện tổ chức tuyển dụng lao động phải kiểm soát chặt chẽ lịch trình di chuyển của người đi tuyển dụng, không tuyển dụng các lao động di chuyển từ tỉnh, thành phố khác vào tỉnh Vĩnh Phúc mà chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm y tế, cách ly y tế theo quy định. Bên cạnh đó, công nhân đến tuyển dụng tại doanh nghiệp phải có xét nghiệm âm tính với Sars CoV-2 trong vòng 72 giờ, đồng thời phải khai báo y tế theo quy định. Trong thời gian tổ chức tuyển dụng, trường hợp phát hiện người đi tuyển dụng có dấu hiệu ho, sốt hoặc các dấu hiệu nhiễm Sars CoV-2 thì phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly y tế tạm thời tại phòng cách ly y tế của doanh nghiệp, đồng thời báo cáo ngay cơ quan chức năng y tế và chính quyền địa phương để tổ chức đưa đối tượng đó đến cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm hoặc điều trị, cách ly theo quy định; không để đối tượng nêu trên tự ý di chuyển ra cộng đồng, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Ngoài ra, thường xuyên tăng cường công tác kết nối, trao đổi, phản ánh thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải thành lập nhóm zalo để thông tin hai chiều về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 giữa người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp, Tổ an toàn Covid của doanh nghiệp. Trong đó, Tổ trưởng Tổ an toàn Covid có trách nhiệm thông tin, quán triệt các quy định, hướng dẫn phòng chống, dịch của cơ quan có thẩm quyền đến tất cả các lao động; đồng thời tiếp nhận thông tin phản ánh từ người lao động; xử lý thông tin để báo cáo Lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan chức năng kịp thời xử lý những kiến nghị hoặc tình huống phòng, chống dịch đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu. 

Đối với các trường hợp lái xe, phụ xe có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc không được về sinh hoạt tại gia đình, cộng đồng khi vẫn đang thực hiện vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. 

DT