Vĩnh Phúc: Siết chặt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm

07:20 04/11/2021

Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng đã lợi dụng việc hạn chế đi lại do dịch bệnh Covid-19 cùng sự phát triển của thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để thay đổi phương thức, thủ đoạn, thời gian, tuyến đường hoạt động, không chỉ khiến công tác quản lý Nhà nước gặp khó khăn mà còn gây rất nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm nhiều vụ việc. 

  Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thị trường hàng hoá.

Mới đây, vào đêm 18/9/2021, Đội Quản lý thị trường cơ động, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS:99C-164.64 do anh Trịnh Quang Thức sinh năm 1983, địa chỉ phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh điều khiển từ Bắc Ninh về Vĩnh Phúc. Qua kiểm tra, trên xe vận chuyển 2.096 kg nhôm loại thanh dài 5,8m, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; lái xe không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá.

Trước đó, ngày 9/8/2021, Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra cửa hàng Chip shop trên đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vĩnh Yên, phát hiện và thu giữ gần 70 sản phẩm hàng hóa gồm: Túi xách, giày, dép mang các nhãn hiệu Hermes, Chanel được bày bán tại cửa hàng  nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ vi phạm trong kinh doanh thương mại được các ngành chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, chỉ tính riêng trong tháng 8 và tháng 9/2021, các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính 178 vụ vi phạm với số tiền nộp ngân sách Nhà nước gần 21,6 tỷ đồng.

Nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường, phát triển kinh tế trong tình hình mới, ngày 27/10/2021, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2021, dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Kế hoạch nêu rõ: Trong đợt cao điểm, các lực lượng chức năng của tỉnh sẽ tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng chống dịch, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm và các sản phẩm thịt từ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Theo đó, Ban chỉ đạo 389 tỉnh giao Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vi phạm về điều kiện kinh doanh, chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Song song với kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, dịp này, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sử dụng các ứng dụng di động, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa.

DT