Vĩnh Phúc: Mục tiêu nằm trong Top 15 tỉnh, thành về chất lượng điều hành

09:25 28/07/2021

Mặc dù, còn nhiều khó khăn, bất cập và trong bối cảnh tất cả các tỉnh, thành đều quyết tâm vươn lên giành thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PCI, Vĩnh Phúc chỉ có 8/16 năm nằm trong top 10 PCI.

Tại Nghị quyết số 01 của BTV Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra như: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 7-7,5%/năm; tổng sản phẩm nội tỉnh đến năm 2020 bằng 1,5-2 lần so với năm 2015; thu hút mới 1,3-1,5 tỷ USD vốn FDI, 14-15 nghìn tỷ đồng vốn DDI và duy trì vị trí xếp hạng PCI trong nhóm 10 địa phương tốt nhất cả nước. 

  Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kiểm tra nhà máy Toyota.

Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, có các chính sách cởi mở, minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư: Trong đó, tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác và cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh tăng cường các buổi đối thoại, tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp vào chiều thứ 6 hằng tuần; duy trì hoạt động đường dây nóng; đưa Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện vào hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua các kênh: Văn bản, cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền, gặp trực tiếp, điện thoại, email và hệ thống tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký điện tử đối với các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đối với một số thủ tục hành chính. 

Sau 5 năm Nghị quyết số 01 của BTV Tỉnh ủy đi vào cuộc sống, chỉ có năm 2016, Vĩnh Phúc duy trì được thứ hạng nằm trong top 10 PCI, còn các năm: 2017, 2018, 2019, 2020 đều tụt hạng.

Kết quả xếp hạng PCI cho thấy, năm 2020, các chỉ số thành phần của Vĩnh Phúc chưa có sự ổn định, tốc độ cải thiện một số chỉ số có xu hướng chậm, thậm chí không được cải thiện so với các địa phương ở top 15 tỉnh, thành dẫn đầu như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng. Các chính sách cải cách, đổi mới của tỉnh còn hạn chế, chưa tác động mạnh và chưa tạo ra được đột phá trong các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được đánh giá trên 10 chỉ số thành phần, được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm và coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét, lựa chọn đầu tư. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 16 năm công bố chỉ số PCI, khoảng cách về điểm số giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối ngày càng thu hẹp. Điều này cho thấy tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của PCI trong thu hút đầu tư và đã tập trung tìm giải pháp cải thiện từng chỉ số, tạo sức cạnh tranh mới, “đường đua mới” về môi trường kinh doanh, các thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, minh bạch thông tin, nhất là tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, giai đoạn 2020- 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút thêm 2,0-2,5 tỷ USD vốn FDI và 20-25 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư các dự án DDI; giai đoạn 2021-2026 nằm trong top 15 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh sẽ phải tăng thứ hạng, tăng điểm của cả 10 chỉ số thành phần. Cụ thể là phấn đấu các chỉ số: Chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch trong nhóm 10; các chỉ số: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, cạnh tranh bình đằng nằm trong nhóm 20; chỉ số đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí thời gian không chính thức nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố tốt nhất cả nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng xây dựng Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; Chương trình tổng thể công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phân công các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, theo dõi các chỉ số theo lĩnh vực. Tập trung cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp, điểm số thấp; thực hiện tốt Kế hoạch số 49 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; coi cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số đối với các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với một số thủ tục hành chính. Công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, các quy định của pháp luật, các thông tin doanh nghiệp quan tâm. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, cung cấp kịp thời các thông tin liên quan mà nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu.

Quyết tâm nằm trong top 15 PCI, ngay sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố bảng xếp hạng PCI năm 2020, từng sở, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch bắt tay ngay vào việc thực hiện các giải pháp để nâng thứ hạng từng chỉ số được giao trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025.

 DT