Vĩnh Phúc: Không ngừng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

16:11 14/06/2021

Không chỉ giúp đỡ doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, mặt khác tỉnh Vĩnh Phúc còn quan tâm hỗ trợ pháp lý cho 97% DN nhỏ và vừa trên địa bàn.

Để tạo điều kiện thuận lợi, giúp DN, nhất là DN nhỏ và vừa trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), thời gian qua, tỉnh duy trì việc cập nhập, đăng tải thường xuyên các VBQPPL của Trung ương, của tỉnh trên Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh. 

Sở Tư pháp đã tổ chức 3 hội nghị bồi dưỡng kiến thức cho hàng trăm lượt người là cán bộ tư pháp cấp huyện, xã, cán bộ pháp chế ở các sở, ban, ngành và cán bộ làm công tác pháp chế ở các DN trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đăng tải công khai các VBQPPL do cơ quan, đơn vị mình tham mưu ban hành liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và cập nhật bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng thông tin điện tử của ngành, địa phương để việc tra cứu, tìm kiếm của DN được nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng.

Trong 3 năm (2017 - 2020), Sở Tư pháp đã tổ chức 3 hội nghị bồi dưỡng kiến thức cho hàng trăm lượt người là cán bộ tư pháp cấp huyện, xã, cán bộ pháp chế ở các sở, ban, ngành và cán bộ làm công tác pháp chế ở các DN trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, tỉnh tích cực tư vấn, giải đáp pháp luật cho DN. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận, tư vấn cho trên 500 tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục hồ sơ đăng ký thành lập DN; gần 7.000 lượt người về thủ tục liên quan đến công tác thuế; hướng dẫn hơn 200 DN xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Với những kết quả đạt được trong công tác hỗ trợ pháp lý, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Trong đó, điều dễ nhận thấy nhất đó là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ pháp chế, cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho DN còn thiếu, phần lớn là kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian để hỗ trợ pháp lý cho DN.

Kinh phí cấp cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN ở các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nên số lượng các DN được hỗ trợ chưa nhiều; hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN chưa đa dạng; nội dung chưa phong phú, kịp thời…

Để đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý đi vào thực tế có hiệu quả, đầu năm 2021, UBND tỉnh ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN nhỏ và vừa; đổi mới hoạt động giải đáp và tư vấn pháp luật cho DN; tiếp nhận, tổng hợp vướng mắc, kiến nghị của DN liên quan đến quy định của pháp luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

D.T