VINASME ý kết thỏa thuận hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ DN nhỏ và vừa

00:00 12/10/2020

Sáng 24/12, Ban quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia tổ chức tổng kết Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019 và triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2020. Cũng tại Hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh phối hợp trong công tác chia sẻ thông tin, triển khai hoạt động XTTM hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Phát triển thị trường trọng điểm

Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (Chương trình) đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy xuất khẩu và đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt mốc dự kiến 500 tỷ USD trong năm 2019. Theo thống kê hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2019, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 59,6%). Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu quy chuẩn, chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải  yêu cầu, thời gian tới, Ban quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên làm công tác xúc tiến thương mại tại các đơn vị. Việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại cần có tính dài hạn, bền vững; các hoạt động xúc tiến tổ chức phong phú, đa dạng hơn tạo sự mới lạ thu hút các đơn vị tham gia cũng như tổ chức trong các chương trình.

Tính lan tỏa của chương trình được khẳng định trong thời gian qua và đặc biệt rõ nét trong năm 2019. Thông qua việc triển khai trực tiếp chương trình, năng lực của các cơ quan xúc tiến thương mại đã cải thiện đáng kể, tính chủ động và trách nhiệm được tăng cường; nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại được nâng cao và việc đầu tư cho hoạt động xúc tiến thương mại của các ngành hàng cũng như địa phương đã được chú trọng.

Toàn cảnh hội nghị

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019 được Bộ Công Thương phê duyệt và thực hiện được 205 đề án với tổng kinh phí là 125 tỷ đồng. Kinh phí được bố trí, giao cho các tổ chức xúc tiến thương mại Trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành hàng làm đơn vị chủ trì thực hiện đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại. Cụ thể là, các hoạt động xúc tiến thương mại  truyền thống và hoạt động xúc tiến thương mại  mới như: xúc tiến thương mại qua môi trường điện tử đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường. 

Tính hết tháng 11/2019, các đề án thuộc chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ hơn 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam và nước ngoài; thu hút hơn 1 triệu lượt khách thương mại đến thăm quan giao dịch tại các sự kiện và thực hiện hơn 100.000 lượt giao dịch thương mại có khả năng đi đến đặt hàng, ký kết hợp đồng.

Phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Tại buổi họp tổng kết, Cục Xúc tiến thương mại và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh phối hợp trong công tác chia sẻ thông tin, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tạo điều kiện quảng bá thông tin cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cũng như thông tin về các hoạt động xúc tiến thương mại do các hiệp hội ngành hàng, địa phương tổ chức được đến với đông đảo doanh nghiệp trên cả nước trong đó đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ phối hợp tạo điều kiện quảng bá thông tin, cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), thông tin về các hoạt động XTTM do các hiệp hội ngành hàng, địa phương tổ chức được đến với đông đảo doanh nghiệp trên cả nước, trong đó đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME cho biết, hoạt động XTTM có hai nhiệm vụ, đó là XTTM cả ở trong nước và ngoài nước. Để cho hoạt động có hiệu quả, thì sự phối hợp giữa các vùng miền, giữa các hiệp hội là rất quan trọng. Trong đó, các hiệp hội phải tập hợp nhau lại để làm sao việc XTTM có hiệu quả, cái này là trách nhiệm của người đứng đầu các Hiệp hội, các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME 

Ông Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, nguồn lực cho hoạt động XTTM từ nguồn đầu tư ngân sách ngày càng nhỏ, Cục Xúc tiến thương mại trong những năm qua đã làm quá nhiều việc với nguồn tài chính hạn hẹp, vì làm quá nhiều hoạt động nên nguồn tài chính bị dàn trải. Sau lễ ký kết hợp tác, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và Chính phủ, Cục Xúc tiến thương mại và VINASME sẽ triển khai các hoạt động XTTM tốt hơn. Hoạt động XTTM bên cạnh nguồn đầu tư từ nhà nước, thì cần thiết phải huy động nguồn lực của các hiệp hội vì các hiệp hội là trung gian, là cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Các Hiệp hội khác khi tổ chức hoạt động XTTM trong nước hoàn toàn có thể phối hợp với VINASME để đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường 100 triệu dân.

Ông Nguyễn Văn Thân còn nhấn mạnh, các doanh nghiệp, các hiệp hội cần phải tổ chức XTTM bằng cả hai phương thức truyến thống và áp dụng công nghệ thông tin. Hoạt động quảng cáo và XTTM của chúng ta còn rất yếu so với các nước tiên tiến. Để XTTM phải có tiền, số tiền 136 tỷ đồng ngân sách cấp cho năm 2020 là quá ít, nhưng các doanh nghiệp không nên ỷ lại vào nhà nước, mà doanh nghiệp phải bỏ tiền ra. Một số doanh nghiệp cứ nói đến đóng tiền là ngại, chúng ta phải phối hợp với nhà nước để có nguồn tiền đi giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, mà phải giới thiệu một cách sang trọng. Doanh nghiệp phải cố gắng lựa chọn những sản phẩm nổi bật để mang đi quảng bá.

TT