Vinasme luôn đồng hành và là "điểm tựa" cho doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Sứ mệnh của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa việt nam (Vinasme) đối với doanh nghiệp giống như la bàn đối với nhà thám hiểm hay bản đồ đối với khách du lịch. Nó là cái khung để đưa ra các quyết định khó khăn, hay ranh giới để kiên định con đường phải đi của mình… nhìn từ những gam màu tươi sáng của kinh tế Việt Nam 2018, có thể thấy được vai trò, kết quả đạt được và “lực hút” cũng như sứ mệnh của Vinasme trong năm tới.

Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo  Vinasme tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Từ bức tranh kinh tế 2018…

TS. Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Vinasme cho biết: Để có một cái nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế năm 2018 phải nhắc lại năm 2017. Tại thời điểm ra Nghị quyết GDP đạt mức 6,7%, bên lề của Quốc hội, tôi cũng băn khoăn không chắc đã đạt được sự tăng trưởng đó và đã đề nghị với một số lãnh đạo Chính phủ liệu có tham vọng quá không thì Thủ tướng nói rằng: “Đã làm là phải quyết liệt, không sợ và dám làm, dám đứng trước dân nói thì phải làm và làm có trách nhiệm”. Tôi thấy đó là một ý chí của Thủ tướng, ý chí của Chính phủ… Sau đó chúng ta đạt được mức tăng trưởng 6,7%. Năm 2018 được ghi nhận là năm thứ hai liên tiếp chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, đồng thời hội tụ nhiều tin vui và chuyển biến tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa- thể thao… Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, bộ mặt đất nước không ngừng đổi mới và phát triển, đời sống người dân không ngừng cải thiện.

Đề cập về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm 2019, TS. Nguyễn Văn Thân chia sẻ: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh DN tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mọi DN thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Với phương châm của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cần đồng lòng và thổi bùng khát vọng đưa đất nước tiến lên. Đồng thời, tổ chức, tạo lập các chuỗi cung ứng liên kết dọc, ngang, sự tuân thủ pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, cũng như cả của cộng đồng doanh nghiệp; “Việc gỡ bở mọi rào cản thể chế để phát triển mạnh kinh tế tư nhân, bao gồm cả cộng đồng hàng triệu DNNVV cũng như hàng ngàn các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, trên tinh thần vừa hợp tác liên kết chặt chẽ, vừa cạnh tranh bình đẳng theo nguyên tắc thị trường ngày càng đầy đủ sẽ là một động lực mới thực sự đảm bảo để Việt Nam vươn lên, trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045…”, TS Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VIệt Nam tại Hội nghị "Đối thoại với DN về CCTTHC và nhìn lại 1 năm triển khai luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa"

… Đến sứ mệnh của Vinasme

Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng cùng với rất nhiều Hiệp định đã ký, nhất là Hiệp định CPTPP có hiệu lực, nếu EU thông qua thương mại tự do sẽ là môi trường cực kỳ mở để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, DNNVV VN mà chủ yếu là DN sở hữu tư nhân với tiềm lực kinh tế không nhiều, kinh nghiệm kinh doanh hạn chế, công nghệ còn thiếu sót, lực lượng và tay nghề lao động cũng chưa được đào tạo cao, khi hội nhập với môi trường, thị trường thế giới thì DNNVV có rất nhiều nhiệm vụ… Trong bối cảnh đó, Vinasme phải thực hiện nhiệm vụ cùng với Chính phủ hỗ trợ, củng cố lực lượng cộng đồng doanh nghiệp lớn lên.

Từ năm 2016, Hiệp hội được Chính phủ phân công thực hiện một số nhiệm vụ mà trước đây thuộc về khu vực hành chính, cơ quan nhà nước như nghiên cứu, xây dựng 3 đề án rất lớn: Chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN; Liên kết DN lớn DN nhỏ, DN vừa, DN nước ngoài; Tổ chức thực hiện thu hút nguồn vốn từ trong dân. Đây là 3 nhiệm vụ rất trọng đại, thể hiện sự lớn mạnh của Hiệp hội, thể hiện niềm tin và sự tín nhiệm từ Chính phủ. Rất nhiều Dự thảo Luật, Quốc hội đều coi trọng ý kiến của Vinasme, cả trong các cuộc vận động của Đảng, Hiệp hội cũng là thành viên quan trọng, như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiệp hội được các cơ quan, Đảng, Quốc hội, Chính phủ ngày càng coi trọng vị trí, vai trò, tiếng nói. Lãnh đạo Hiệp hội được tham gia vào các vị trí quan trọng tại các tổ chức thành lập thuộc Quốc hội, Ban chỉ đạo TW cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hội đồng cải cách tư vấn thủ tục hành chính, Hội đồng tiền lương quốc gia, Ửy ban quan hệ lao động Quốc gia v.v… Ngày 1/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về đổi mới phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh và đã giao cho Hiệp hội nhiệm vụ quan trọng là độc lập nghiên cứu, đánh giá về thực hiện thay đổi môi trường kinh doanh. Tính chất điều tra độc lập rất quan trọng, chứng tỏ Chính phủ đánh giá cao phản ánh của Hiệp hội về khả năng, năng lực để đánh giá báo cáo với Chính phủ về vấn đề môi trường kinh doanh.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết hợp tác với Viettel về ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp

Theo TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Vinasme: Năm 2019 Vinasme tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Tham gia và đóng góp tích cực, có hiệu quả vào hoạt động của các Hội đồng; tiếp tục xây dựng các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ giao; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ cho DNNVV của các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cũng như các tỉnh/thành Hội; duy trì và tăng cường mối liên kết, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Trung ương Hội với các tỉnh/thành Hội, giữa Trung ương Hội với các cơ quan Đảng, Chính phủ, với các bộ/ngành để thực sự là “Cánh tay nối dài” của Chính phủ, chính quyền địa phương tới các DN. Tiếp tục cải cách bộ máy của các cơ quan Hội, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động; thực hiện tốt việc triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Hỗ trợ DNNVV, thực hiện vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thích ứng nhanh với những thay đổi của cách mạng công nghiệp 4.0... Đặc biệt, Vinasme đã ký kết phối hợp với Tập đoàn Viettel về việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông để quản lý, hỗ trợ và phát triển cộng đồng DNNVV.

“Để Vinasme làm tốt hơn sứ mệnh của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các cấp chính quyền, Quốc hội cần sớm thông qua Luật Tổ chức và Quản lý Hội (Luật Hội) để tạo điều kiện cho các Tổ chức Hội phát triển và qua đó tăng cường sự quản lý của Nhà nước; sớm điều chỉnh thuế và phí nhằm thực hiện chủ trương tiết giảm chi phí cho DNNVV, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản dưới Luật, trong đó có Quỹ Hỗ trợ DNNVV để thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, đồng thời phê duyệt Đề án Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, để Vinasme cùng các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện...”, TS Tô Hoài Nam kiến nghị.

Giang Thu