Việt Nam tăng cường hợp tác, hội nhập với ngành khai thác thủy sản thế giới

23:28 28/11/2022

Ngày 28/11, tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Thư ký WCPFC tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 19 Uỷ ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (Hội nghị WCPFC19).

Là Hội nghị thường niên quan trọng nhất của WCPFC, nhằm đánh giá một số hoạt động quan trọng của Ủy ban hoạt động trong năm; đưa ra các chính sách, biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo; trong đó, có việc xem xét trách nhiệm tuân thủ và quyết định chấp thuận hay từ chối đơn xin là thành viên nhưng có hợp tác (CNM) của các quốc gia; trong đó, có Việt Nam. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho hay, Việt Nam đánh giá rất cao những hỗ trợ của Giám đốc điều hành WCPFC, Ban Thư ký, các Ban kỹ thuật, tài chính của WCPFC đã chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 19 này của WCPFC.

Đây chính là một cơ hội lớn để ngành khai thác thủy sản Việt Nam nói chung và lĩnh vực khai thác cá ngừ nói riêng hội nhập sâu rộng với nghề cá thế giới; góp phần tăng cường hợp tác với các nước tham gia Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương và các tổ chức nghề cá khu vực, các tổ chức đa phươ 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Từ lâu, ngành thủy sản Việt Nam phát triển với đặc thù nghề cá quy mô nhỏ, khai thác thủy sản đa nghề, đa loài để đảm bảo sinh kế và tham gia phát triển kinh tế. Đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ (nghề cá nhân dân) sang nghề cá hướng tới phát triển bền vững với định hướng tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản và giảm sản lượng khai thác thủy sản. Ngành khai thác thủy sản Việt Nam đã có giai đoạn phát triển nhanh. Tuy nhiên đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Tổng sản lượng thủy sản đến tháng 11 năm 2022 ước đạt 8,2 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi ước đạt 4,6 triệu tấn. 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 9,4 tỷ USD.

Ông Luân nhấn mạnh, Việt Nam với tư cách là quốc gia chưa phải là thành viên nhưng có hợp tác (CNM) của Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương từ năm 2009 tới nay. Việt Nam đã và đang đồng hành cùng với 26 quốc gia thành viên chính thức, 7 quốc gia chưa phải là thành viên nhưng có hợp tác và 7 vùng lãnh thổ để thực thi các điều khoản của WCPFC về công tác quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản di cư trong khu vực Tây và Trung Thái Bình Dương.

Thông qua các dự án của WCPFC đã tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản cá ngừ, cá kiếm; nhận được thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu thông qua các chương trình đào tạo, hội nghị chuyên đề; đồng thời được tiếp cận và áp dụng những công cụ đánh giá và xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép hàng năm hoặc trong từng giai đoạn nhất định; đưa ra những giải pháp quản lý nguồn lợi, phương pháp khai thác để bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi hải sản di cư, trong đó chủ yếu là cá ngừ tại vùng biển Việt Nam.

Việc tham gia WCPFC là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình triển khai Hiệp định đàn cá di cư mà Việt Nam đã tham gia năm 2019. Việc Việt Nam tham gia WCPFC với tư cách “Quốc gia không phải thành viên chính thức có hợp tác” cũng thể hiện quyết tâm và mong muốn của Việt Nam trong việc tham gia vào các nỗ lực chung của khu vực nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cá ngừ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi cá di cư xa.

Ngọc Phi (tổng hợp)