Việt Nam nỗ lực trở thành con rồng trỗi dậy ở châu Á cả về kinh tế, xã hội và giáo dục

00:00 12/10/2020

Ngân hàng Thế giới nhận định: Những thành tựu giáo dục của Việt Nam đã khiến các nhà hoạch định chính sách giáo dục trên toàn thế giới bất ngờ.

World Bank: Việt Nam nỗ lực trở thành con rồng trỗi dậy ở châu Á cả về kinh tế, xã hội và giáo dục
 

Trong báo cáo Vốn nhân lực Việt Nam Thành tựu Giáo dục và Thách thức trong Tương lai, Ngân hàng Thế giới đánh giá: Việt Nam đã nỗ lực trở thành con rồng đang trỗi dậy ở khu vực châu Á trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội, trong đó có giáo dục. Trên thực tế, sự tiến bộ trong giáo dục là một trong những yếu tố đóng góp chính làm nên mức xếp hạng ấn tượng của Việt Nam trong Chỉ số vốn nhân lực (HCI), 48 trên 157 quốc gia.

Một trong ba chỉ số thành phần của HCI, Số năm đi học hiệu chỉnh theo chất lượng, đề cập đến số năm đi học của một trẻ em tính đến 18 tuổi, kết hợp với thước đo chất lượng học tập ở trường dựa trên thành tích tương đối của quốc gia trong các chương trình đánh giá thành tích học sinh quốc tế.

Một phần nguyên nhân đằng sau kết quả ấn tượng của Việt Nam, so với các quốc gia khác có mức thu nhập bình quân tương đương là do những nỗ lực nhất quán của chính phủ nhằm cải thiện hệ thống giáo dục, qua đó tăng cường tiếp cận toàn dân và thành tích học tập thông qua những cải cách và quá trình ra quyết định dựa trên bằng chứng.

 World Bank: Việt Nam nỗ lực trở thành con rồng trỗi dậy ở châu Á cả về kinh tế, xã hội và giáo dục  - Ảnh 1.
 
 World Bank: Việt Nam nỗ lực trở thành con rồng trỗi dậy ở châu Á cả về kinh tế, xã hội và giáo dục  - Ảnh 2.
 

Dù mức độ phát triển của kinh tế đất nước còn thấp (với GDP bình quân đầu người 2.170 USD vào năm 2016), học sinh Việt Nam nhìn chung vẫn vượt trội so với học sinh các nước OECD trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA).

Năm 2012, trong lần tham gia đánh giá đầu tiên, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và thứ 19 về Đọc trong số 65 quốc gia. Ba năm sau, theo kết quả PISA năm 2015, Việt Nam đứng thứ 8 về Khoa học, thứ 22 về Toán, thứ 32 về Đọc hiểu trong số 72 quốc gia tham gia đánh giá. Điểm trung bình của Việt Nam về Khoa học cao hơn 32 điểm so với mức trung bình của OECD - tương đương với khoảng một năm học.

Mặc dù tỷ lệ học sinh tuổi 15 thấp có thể là một nguyên nhân khiến điểm trung bình quốc gia tăng lên nhưng Việt Nam vẫn là một ngoại lệ xuất sắc nếu xét về GDP bình quân đầu người khi tính đến tỷ lệ nhập học thấp.

Cam kết kiên định của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện cơ hội học tập cho tất cả mọi người, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao đối với trường học, được hỗ trợ bởi hệ thống báo cáo và giám sát nội bộ cũng như bên ngoài hiệu quả, đã góp phần mở rộng và không ngừng cải tiến hệ thống giáo dục.

Việt Nam cũng có lợi thế liên quan đến các khía cạnh văn hóa như tinh thần coi trọng giáo dục, kỳ vọng cao của các bậc cha mẹ và môi trường kỷ luật cao đối với giáo viên và học sinh. Ngoài một số yếu tố văn hóa xã hội đặc thù có thể không dễ dàng lặp lại ở các quốc gia khác, những yếu tố khác liên quan đến hoạch định chính sách là điều mà lãnh đạo các quốc gia khác có thể tham khảo.

Dù đã có những thành tựu nổi bật và kết quả học tập cao hiện nay, hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc đưa đất nước trở thành nền kinh tế tri thức.

Thứ nhất, tỷ lệ tiếp cận giáo dục trung học còn thấp và không công bằng. Thứ hai, mặc dù chính phủ đã cam kết cải thiện chất lượng giáo dục thông qua tăng cường phương thức giảng dạy dựa trên năng lực, cải cách chương trình và sách giáo khoa nhưng vẫn còn thiếu những hướng dẫn rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi cho phương thức giảng dạy dựa trên năng lực này. Thứ ba, cùng với quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn để nâng cao trình độ học vấn và phương châm học tập suốt đời, để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Hệ thống giáo dục sau phổ thông còn nhiều bất cập mang tính cơ cấu, bao gồm thiếu kinh phí và chiến lược toàn ngành không đủ mạnh. Chính phủ đã nhận thức được những điểm yếu này và cam kết khắc phục để tiếp tục củng cố nguồn nhân lực, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo Sự thịnh vượng đang thay đổi của các quốc gia (Changing Wealth of Nations) của Ngân hàng Thế giới cũng chứng minh vốn nhân lực là thành phần quan trọng nhất trong nguồn gốc thịnh vượng của các quốc gia trên toàn cầu (Lange, Wodon và Carey 2018). Câu chuyện thành công ấn tượng của Việt Nam trong tiếp cận giáo dục phổ thôn và kết quả học tập là ví dụ điển hình về việc đảm bảo an ninh kinh tế và cơ hội gia nhập tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng.

H.A