Việt Nam đón 'gió ngược' để vượt lên

00:00 12/10/2020

Dịch COVID-19 sẽ tạo ra một "cơn gió ngược" cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam vượt lên, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy vậy, vấn đề còn lại vẫn là hành động của Việt Nam.

Tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020, các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đều cho rằng, đây sẽ là thời kỳ quan trọng để đưa Việt Nam từ nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp hiện nay lên địa vị nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tiếp đó trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thời cơ để bứt phá

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Fulbright Việt Nam, đặt vấn đề: làm thế nào để Việt Nam gia nhập và nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Qua đại dịch COVID-19, ông Tự Anh tin rằng bất kỳ quốc gia nào cũng phải đưa chỉ tiêu tính dẻo dai, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các rủi ro, không chỉ về kinh tế, tài chính mà còn là môi trường, bệnh dịch.... vào kế hoạch phát triển. Nếu không có khả năng này, dù là quốc gia có thành tích tăng trưởng nhanh nhưng có thể lụi tàn trong sớm chiều.

Anh-Thuy-2-5040-1601374545.jpg

Cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu (Ảnh: Int)

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn từ đại dịch COVID-19, nhưng cũng đứng trước cơ hội để có được bước chuyển mình. Làm thế nào để Việt Nam chớp được cơ hội, hạn chế các thách thức? Những chiến lược và chính sách cần thiết để thực hiện nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu là gì?

Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), đánh giá cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra có thể khiến kinh tế thế giới bước vào một cuộc suy thoái. Tuy vậy, COVID-19 cũng sẽ tạo ra một "cơn gió ngược" cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam cần chớp lấy thời cơ này với cách làm khác.

Điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện là một nền kinh tế mở nhất nhưng mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines... Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị, xếp thứ 55/174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của Philippines (84,4 tỷ USD) - quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á và đứng trên Việt Nam trong bảng xếp hạng (34/174).

Theo bà Victoria Kwakwa, đại dịch COVID-19 dự kiến tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu, để lại "vết sẹo" lâu dài thông qua nhiều kênh. Mặc dù vậy, đây là thời cơ để Việt Nam bứt phá.

"Công thức làm "bánh trung thu" cho thành công của Việt Nam bao gồm 3 thành tố: khu vực tư nhân năng động sôi động và có sự gắn kết tốt với khu vực FDI; thể chế cởi mở và giáo dục phát triển. Điều này sẽ giúp từng người dân Việt Nam được một phần "miếng bánh trung thu", cũng như giúp Việt Nam tiến bước để đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao 5 năm tới, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045", bà Victoria Kwakwa kỳ vọng.

Tận dụng hiệu quả dòng vốn FDI 

Trong khi đó, TS. Jacques Morriset, Chuyên gia kinh tế trưởng và Giám đốc chương trình phụ trách Việt Nam, kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư (WB), cảnh báo đừng nhầm lẫn COVID-19 là một cơ hội cho Việt Nam.

Theo TS. Jacques Morriset, điểm mạnh của Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới về thương mại hàng hóa, độ mở cao gấp 1,5 lần Thái Lan và 5 lần Trung Quốc. Trước COVID-19, Việt Nam đã là một điểm đến FDI có sức thu hút trong ASEAN... Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là mức độ nội địa hóa thấp và có xu hướng giảm dần theo thời gian, thấp hơn 2 lần so với Trung Quốc.

Đồng thời, hoạt động thương mại của Việt Nam đang tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp. 4 sản phẩm hàng đầu (dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại) chiếm tới 2/3 kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu.

4 thị trường lớn nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ) chiếm 60% kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu. 4 tập đoàn hàng đầu (Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic) chiếm 70% kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị chế tạo toàn cầu.

"Những điểm yếu trên đang cản trở kinh tế Việt Nam. Nếu Chính phủ không có quyết sách, tín hiệu đúng đắn thì sẽ không thể gặt hái được cơ hội", TS. Jacques Morriset đánh giá.

Mặt khác, ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế - Cố vấn quốc tế cao cấp của UNDP, nhận định dòng vốn FDI mang lại những lợi ích quan trọng, trong đó có khả năng tiếp cận đến chuỗi giá trị toàn cầu nhưng cũng làm phát sinh chi phí. FDI giúp đẩy mạnh xuất khẩu và tạo ra việc làm. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI lại thâm dụng nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở Việt Nam - nơi giá trị gia tăng nhập khẩu trong hàng xuất khẩu cao hơn Thái Lan và Malaysia.

Điều này cho thấy, đầu tư FDI và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đã góp phần tạo việc làm, tăng trưởng xuất khẩu và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tận dụng sự tham gia vào các mạng lưới này để nâng cao giá trị gia tăng trong nước và phát triển năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Việc chuyển đổi từ một quốc gia dư thừa lao động chuyên sử dụng lao động giá rẻ sang một nền kinh tế có công nghệ tiên tiến mang đầy sự rủi ro.

Theo ông Pincus, những tiến bộ trong tự động hóa có thể thu hẹp cánh cửa hiện có đối với Việt Nam để chuyển được từ hoạt động lắp ráp sang các phân đoạn phức tạp hơn của chuỗi giá trị. Trong khi đó, các công cụ truyền thống của chính sách đổi mới quốc gia không còn nữa. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải tư duy sáng tạo về các công cụ có thể sử dụng nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước và nâng cao vị thế trong phạm vi của các hiệp định đã ký.

"Chính phủ cũng phải xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm công nghiệp nhằm đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô và thu hút đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển", ông Jonathan Pincus khuyến nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cơ hội cần phải nhìn rộng ra không chỉ là thị trường, chuyển dịch đầu tư, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước. Đây còn là cơ hội đẩy nhanh cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam, đổi mới mô hình tăng trưởng Việt Nam theo hướng bền vững, bao trùm, gắn vào mục tiêu dài hạn.

Lê Thúy