Việt Nam chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19

10:40 07/03/2021

Sáng 6-3, tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ngày 8-3, Bộ Y tế sẽ tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 tại một số tỉnh, thành có dịch Covid-19.

Ngày 8-3, Bộ Y tế sẽ tổ chức tiêm những mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên tại Hải Dương, Hà Nội và TP HCM. Dự kiến trong năm 2021, hơn 100 triệu liều được tiêm tại Việt Nam

 Ưu tiên 13 tỉnh, thành có dịch

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trước mắt, chọn các điểm tiêm ở Hải Dương, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) và BV Bệnh nhiệt đới TP HCM. Do đây là lần đầu tiêm vắc-xin Covid-19 ở quy mô rộng nên Bộ Y tế phân công 3 thứ trưởng chỉ đạo 3 điểm tiêm này.

Thời gian đầu thực hiện tiêm vắc-xin, Việt Nam triển khai thận trọng, bảo đảm giám sát, theo dõi, đánh giá, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để tiêm trên diện rộng hơn, tăng độ bao phủ trong thời gian ngắn nhất có thể. Với vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, Bộ Y tế đưa ra khung thời gian là tiêm mũi 1 và 2 sau 3 tháng để bảo đảm tính miễn dịch và tăng độ bao phủ của vắc-xin này.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, do lượng vắc-xin đợt này không nhiều nên sẽ ưu tiên cho 13 tỉnh, thành có dịch, trong đó ưu tiên nhất cho Hải Dương - nơi có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất nước. Thời gian tiêm trong tháng 3 và 4. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tích cực làm việc với COVAX để tháng 3 này lô vắc-xin khoảng 1,3 triệu liều của COVAX về Việt Nam; đến tháng 4 và 5, nguồn vắc-xin về sẽ dồi dào hơn.

"Bộ Y tế cũng chưa tiêm trong đợt này mà dành những mũi tiêm đầu tiên cho công tác phòng chống dịch để giảm yếu tố nguy cơ lây nhiễm cho tuyến đầu chống dịch. Tiếp đến là nhóm tham gia phòng chống dịch tại cộng đồng như nhóm truy vết, xét nghiệm, lấy mẫu… Việc tiêm cho người dân sẽ được triển khai ngay khi có thêm các lô vắc-xin Covid-19 nhập về. Dự kiến trong năm 2021 có hơn 100 triệu liều được tiêm tại Việt Nam. Bộ Quốc phòng sẽ tiêm cho lực lượng quốc phòng; Bộ Công an tiêm cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ công an; Bộ Y tế đảm nhiệm tiêm cho toàn dân.. Đây sẽ là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam", ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về đối tượng được tiêm vắc-xin Covid-19 miễn phí trong đợt đầu tiên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, thông tin trong đợt này sẽ tiêm cho nhân viên y tế tại 21 cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19. Ông Lương Ngọc Khuê đề nghị các BV thành lập ban chỉ đạo về việc thực hiện tiêm chủng, lên danh sách cụ thể, phân công, phân nhiệm cho các thành viên. Tuyệt đối không đưa người nhà, người thân, người quen vào danh sách này.

Bảo đảm an toàn tối đa

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong lịch sử phát triển vắc-xin thì vắc-xin Covid-19 phát triển nhanh nhất, ra đời nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất, do đó cần thêm thời gian theo dõi, đánh giá đầy đủ hiệu quả của vắc-xin này. Song song việc nhập khẩu vắc-xin, Việt Nam cũng đồng thời nghiên cứu phát triển vắc-xin Covid-19 nội địa để bảo đảm an ninh y tế vắc-xin. "Không thể khẳng định tất cả vắc-xin, kể cả vắc-xin đã lưu hành là an toàn 100%. Phản ứng sau tiêm có thể nhẹ hoặc có phản ứng bất lợi. Do vậy, Bộ Y tế triển khai tiêm hết sức thận trọng. Mặc dù 117.600 liều vắc-xin AstraZeneca về Việt Nam từ cuối tháng 2 nhưng phải chờ giấy xuất xưởng chứng nhận về chất lượng của phía Hàn Quốc và phải đánh giá lại toàn bộ chất lượng lô vắc-xin này", GS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, hiện vắc-xin Covid-19 của Pfizer có hiệu lực bảo vệ trên 90% và Moderna 94%, trong khi AstraZeneca chỉ có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2 nên không loại trừ vẫn có một tỉ lệ người tiêm có thể mắc bệnh. Trái lại, dù độ bảo vệ của vắc-xin AstraZeneca không đạt 100% nhưng người tiêm nếu mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn và không có nguy cơ tử vong. "Quá trình tiêm vắc-xin chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm lung lay chiến dịch tiêm vắc-xin. Trên toàn cầu cũng có người tham gia phong trào anti vắc-xin (tẩy chay vắc-xin) nhưng lợi ích của vắc-xin Covid-19 rất rõ ràng, bảo vệ cho chính bản thân và cộng đồng", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng (Bộ Y tế), cho biết, theo điều tra của một đơn vị nước ngoài, 92% số người được hỏi tại Việt Nam đồng ý tiêm vắc-xin Covid-19. Đây là thuận lợi nhưng vẫn cần có các hình thức cung cấp thông tin phù hợp đến người dân. Vì đây là vắc-xin mới nên chúng ta triển khai thận trọng, phải bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

Những lưu ý trước khi tiêm

Lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên tiêm tại Việt Nam do AstraZeneca sản xuất chỉ có hạn sử dụng trong 6 tháng, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế khuyến cáo tiêm đủ 2 liều vắc-xin của AstraZeneca. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu tiêm vắc-xin khác ngoài AstraZeneca thì phải cách ít nhất 14 ngày nhưng tốt nhất là nên tiêm cùng 1 loại vắc-xin trong các mũi.

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca hiện được triển khai tiêm tại 25 quốc gia. Sau khi tiêm chủng có thể xảy ra các phản ứng; phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh… Ngoài ra, có từ 1% đến dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Giống như vắc-xin khác đã sử dụng nhiều năm, vắc-xin Covid-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Một số người có thể phản ứng chậm sau tiêm nhưng chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vắc-xin.

Theo hướng dẫn, các cơ sở tiêm chủng tổ chức dưới 100 đối tượng tiêm chủng/điểm/buổi trong giai đoạn đầu để bảo đảm an toàn. Đồng thời, tổ chức khám sàng lọc Covid-19, không tiêm đối với người đang sốt, ho, khó thở. "Đặc biệt, trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng phải trao đổi hỏi rõ tiền sử bệnh tật xem người tiêm có mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mạn tính phải điều trị, điều trị hóa trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ. Đối với mũi tiêm thứ 2, phải hỏi người được tiêm có biểu hiện phản ứng trầm trọng của lần trước đó không để tạm hoãn tiêm hoặc hướng dẫn cụ thể", PSG Hồng lưu ý.

Cũng theo bà Hồng, người có phản ứng quá mẫn cảm với các thành phần trong vắc-xin sẽ không tiêm vắc-xin này. Người đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển, có tiền thể sử dụng kháng thể kháng Covid-19 trước đó thuộc nhóm hoãn tiêm. Người từng mắc Covid-19 có thể hoãn việc tiêm phòng khoảng 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

Trần Đat