Việt Nam cần ưu tiên gì để phục hồi kinh tế?

00:00 12/10/2020

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tái cơ cấu và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế… là những vấn đề chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thực hiện hậu dịch Covid-19.

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Khởi phát từ đầu tháng 12/2019, tính đến hết ngày 11/4/2020, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 1,8 triệu ca nhiễm, hơn 108.000 người tử vong.

Đến nay, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và đang lây lan nhanh, diễn biến phức tạp tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước châu Á.

Theo Citi Research, kinh tế thế giới sẽ bước vào suy thoái khoảng -2,3% năm nay (năm 2019 tăng trưởng dương 2,6%). Mức suy thoái lần này còn lớn hơn suy thoái năm 2019 là -1,7%. Trong đó, GDP của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 2,4% (so với 6,1% năm 2019); Mỹ là -2,6% (so với 2,3% năm 2019); Nhật Bản là -1,9% (so với 0,7% năm 2019); khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng -8,4% (so với 1,2% năm 2019)…

Trong khi đó, Việt Nam là nước chịu tác động mạnh và trực tiếp, cả phía cầu và cung.

Theo TS Cấn Văn Lực và các chuyên gia, kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo 3 kịch bản ứng với việc thời gian kiểm soát được dịch Covid-19 sớm hay muộn.

Viet Nam can uu tien gi de phuc hoi kinh te? hinh anh 1 TANG_TRUONG_KINH_TE_QUY_I_HANG_NAM_zing.jpg

Kịch bản cơ sở xảy ra khi dịch bệnh được kiểm soát trong quý I và các hoạt động kinh tế trở lại bình thường từ tháng 6, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,8-2 điểm, tương đương tăng 4,81-5,01% năm 2020.

Với kịch bản tích cực, Mỹ và châu Âu có thể khống chế dịch trong tháng 6 và hoạt động sản xuất toàn cầu hồi phục từ cuối quý III. Tại Việt Nam, dịch được kiểm soát trong tháng 4 hoặc giữa tháng 5, tăng trưởng GDP khi đó có thể giảm 1,4 điểm % và đạt mức 5,4-5,6%.

Với kịch bản tiêu cực, đến hết quý III dịch vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới. Còn tại Việt Nam, được kiểm soát trong quý II, nhưng chịu tác động tiêu cực từ tổng cung và cầu bên ngoài. Tăng trưởng GDP sẽ giảm khoảng 2,58 điểm %, đạt 4,07-4,42%.

Từng ngành kinh tế bị tác động ra sao?

Theo báo cáo nghiên cứu, ngành nông, lâm nghiệp thủy sản và các ngành phụ trợ nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng chính ở kim ngạch xuất khẩu nhưng với tác động vừa phải (giảm từ 5-10%). Trong khi đó, phần lớn ngành kinh tế thuộc công nghiệp và xây dựng; dịch vụ chịu tác động lớn (giảm trên 10%).

Các ngành dệt may, da giày, gỗ, thép, dầu thô… được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch xuất khẩu, sản lượng cũng như doanh thu.

Nhiều ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, nông sản, ôtô, sắt thép, lọc hóa dầu…(cũng là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo việc nhiều làm của Việt Nam) đều bị ảnh hưởng do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, đứt gãy.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước đang phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (chiếm 56% nguồn cung hàng hóa trung gian năm 2019).

Các doanh nghiệp FDI cùng nhóm doanh nghiệp Việt làm đại lý cấp 1, 2… thuộc các ngành trên cũng bị ảnh hưởng. Trong đó, khó khăn chủ yếu gặp phải là do thiếu nguồn cung từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản…. và lao động do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại giữa các nước.

Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 7,1% trong quý I, thấp hơn nhiều so với 9,2% cùng kỳ năm 2019. Trong khi số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 28,3%.

Dịch vụ chịu tác động mạnh do tổng cầu giảm (cả trong và ngoài nước), ảnh hưởng trực tiếp là ngành du lịch. Giá cổ phiếu của nhóm du lịch lữ hành cũng đã giảm rất mạnh (33,2%) so với đầu năm.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có doanh thu giảm không nhiều trong quý I (2%) so với cùng kỳ, vì chịu tác động gián tiếp và có độ trễ.

Trong đó, ngân hàng bị ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng giảm (tăng trưởng tín dụng quý I đạt 1,3%, cùng kỳ đạt 3,2%). Điều này dẫn tới sụt giảm doanh thu, cũng như tăng rủi ro về nợ xấu do khách hàng gặp khó khăn. Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giảm lãi, phí cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận, giá cổ phiếu giảm 22,4% từ đầu năm.

Với chứng khoán, tính đến hết tháng 3, chỉ số VN-Index đã giảm 31% so với đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 33 phiên liên tiếp với tổng giá giá trị hơn 9.200 tỷ quý I. Giá cổ phiếu các công ty chứng khoán giảm 28%.

Làm gì hậu đại dịch?

Theo nhóm nghiên cứu, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% năm nay sẽ rất khó khả thi. Tuy nhiên, Việt Nam cần đạt được mục tiêu kép là phòng chống dịch Covid-19 thành công và phát triển kinh tế ở mức khả quan tối đa. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công được xem là giải pháp hiệu quả hàng đầu để nền kinh tế tăng trưởng trở lại hậu dịch bệnh

Để làm được điều này, các chuyên gia khẳng định nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là chống dịch.

Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ từ tiền tệ, tín dụng (khoảng 2 triệu tỷ dư nợ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh) và gói cho vay mới (300.000 tỷ) với lãi suất giảm 1-2,5%/năm.

Bên cạnh đó là các gói tài khóa (180.000 tỷ) và gói an sinh xã hội (62.000 tỷ) cho hơn 20 triệu người lao động và đối tượng yếu thế.

Các chuyên gia cũng kiến nghị nên tập trung vào ít nhất là 15 ngành, lĩnh vực nêu trên và khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, cùng hộ kinh doanh cá thể (có đăng ký kinh doanh và nộp thuế).

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, cần thiết việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Cần có những chính sách, biện pháp để khôi phục lại sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát trong nước.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, Chính phủ có thể cân nhắc thành lập Ban chỉ đạo phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, giúp phân tích, đánh giá các phương án phòng chống dịch cũng như khôi phục tăng trưởng.

Về dài hạn, nhóm chuyên gia của TS Cấn Văn Lực cho rằng cần nghiên cứu, lập và thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác (cả thương mại và đầu tư) để nhằm hạn chế việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài thị trường, đối tác như một chiến lược phân tán rủi ro.

Đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp, nâng năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước…

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp dài hạn như đẩy nhanh phát triển kinh tế số, thanh toán điện tử; tăng cường đầu tư y tế dự phòng…

Quang Thắng