Vì sao vẫn thiếu điện

15:46 14/06/2021

Có một khoảng cách lớn giữa công suất lắp đặt và công suất phát điện thực tế. Mặc dù công suất lắp đặt lên tới 69.000 MW, nhưng công suất phát điện khả dụng chỉ đạt cao nhất là 41.558MW. Điều đó có nghĩa là một lượng lớn công suất lắp đặt không thể phát được điện.

Một lượng lớn công suất lắp đặt không thể phát được điện
Một lượng lớn công suất lắp đặt không thể phát được điện. 

Nguyên nhân là do các dự án điện gió và điện mặt trời phát triển quá mạnh trong thời gian vừa qua đã gây quá tải cho cả hệ thống lưới điện. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng công suất điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW (chiếm 24,1% tổng công suất), tổng công suất điện gió là 567 MW (chiếm khoảng 0,86% tổng công suất).

Tuy vậy, các nguồn điện này phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có nhiều tiềm năng tại miền Trung và miền Nam như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An...

Đáng lo ngại, các loại hình năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng có thời gian đầu tư xây dựng ngắn (khoảng 6 tháng), trong khi việc đầu tư lưới điện truyền tải phải mất 2 – 3 năm (lưới điện 220kV) và 5 năm (lưới điện 500 kV).

Do đó, sự gia tăng đột biến của loại hình năng lượng tái tạo dẫn đến nhiều bất cập trong vận hành hệ thống điện. Một trong những hệ quả trực tiếp chính là việc giảm phát các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2020, sản lượng không khai thác được của điện mặt trời vào khoảng 364 triệu kWh.

Trong các báo cáo về tình hình phát triển điện gió và vận hành hệ thống điện năm 2021, EVN cho biết, đến cuối năm 2021 tổng công suất điện gió có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 5.400 MW, điện mặt trời tập trung vận hành thêm khoảng 300 MW, nhiệt điện than khoảng 3.000 MW (Hải Dương 2 là 600 MW, Sông Hậu 1 là 1.200 MW, Duyên Hải 2 là 1.200 MW).

Tổng công suất đặt của hệ thống điện cuối năm 2021 vào khoảng gần 80.000 MW. Như vậy, điện gió và điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời áp mái) sẽ chiếm lần lượt khoảng 7% và 22% tổng công suất đặt của hệ thống. Sự gia tăng của điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng hiện tượng nghẽn mạch, tiết giảm năng lượng tái tạo trên hệ thống điện.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025, hệ thống điện Việt Nam sẽ tiếp tục tiết giảm. Nguyên nhân là do sự quá tải lưới nội vùng 220/110 kV Trung, Nam (khu vực các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An); quá giới hạn truyền tải cung đoạn Nho Quan – Nghi Sơn - Hà Tĩnh.

Theo TS. Nguyễn Huy Hoạch, thành viên Hội đồng khoa học (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam), xây dựng nguồn điện từ năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu. Song, việc phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh và quá nóng điện mặt trời như năm 2020 (vượt quá yêu cầu mà Quy hoạch điện VII điều chỉnh đề ra) đã dẫn đến một số vấn đề bất cập về mặt kỹ thuật, ảnh hưởng đến hệ thống an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời do giảm phát năng lượng mặt trời dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như nguồn lực của xã hội.

Báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN cho thấy, nếu các nguồn điện có thể đưa vào vận hành với tiến độ như dự kiến, nguồn năng lượng tái tạo triển khai theo quy hoạch, hệ thống có thể đáp ứng đủ cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, trong trường hợp các nguồn điện chậm tiến độ, nguồn năng lượng tái tạo ngừng triển khai sau mốc tháng 10/2021 thì hệ thống sẽ bị thiếu hụt nguồn cung. Sản lượng thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh điện năm 2025.

PV

Tags: