Vì sao nhiều doanh nghiệp không mặn mà niêm yết?

00:00 12/10/2020

Tình trạng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa (CPH), doanh nghiệp đại chúng không muốn đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết đã kéo dài suốt nhiều năm qua.

PGBank là một trong 413 doanh nghiệp vừa được UBCK Nhà nước điểm danh vì chưa chịu đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết

Lý do chậm lên sàn

Theo UBCK Nhà nước, đến cuối năm 2018, cả nước còn 413 doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK theo quy định. Trong đó có 195 công ty đại chúng không phải là DNNN cổ phần hóa như: TCty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội, Tcty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không, TCty cổ phần Phát triển năng lượng Nghệ An… Đáng chú trong số này còn có nhiều ngân hàng chưa lên sàn chứng khoán như: Ngân hàng TMCP Việt Nam thương tín, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank)…

Ngoài ra, còn có 218 doanh nghiệp đại chúng hình thành từ hậu CPH DNNN như: TCty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải, TCty rau quả nông sản, TCty Xây dựng công trình giao thông 1…

Theo Luật sư Huy An- Văn Phòng Luật sư Huy An, sở dĩ doanh nghiệp chưa chịu lên sàn là do lỗi của doanh nghiệp, cụ thể là những người quản trị điều hành doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về đưa cổ phiếu lên sàn. Cùng với đó, việc áp dụng các chế tài xử phạt có phần thiếu quyết liệt và nghiêm khắc, nên chưa tạo được sự răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Bên cạnh đó, sự thiếu quyết liệt đôn đốc thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn của các Bộ, ngành, địa phương với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hậu CPH, cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp chậm trễ đưa cổ phiếu niêm yết trên TTCK tập trung.

Ngoài ra, nhiều DNNN sau CPH không có đủ số lượng cổ đông cần thiết hoặc không đủ vốn điều lệ cần thiết để trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, một số doanh nghiệp cho biết họ có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng, một số khác cho hay số lượng cổ đông của họ nhỏ hơn 100... Cá biệt có trường hợp cho rằng, việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông và công ty. Cũng có trường hợp sau khi CPH xong, Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ nên không quyết được việc lên sàn…

Cần có chế tài nghiêm khắc hơn

Ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch UBCK Nhà nước cho rằng, việc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK đã ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, làm chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau CPH theo thông lệ quốc tế, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Theo giới chuyên gia phân tích, doanh nghiệp càng chây ỳ lên sàn ngày nào, thì càng gây nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Bởi trong thời gian đó diễn ra nhiều hoạt động mua bán cổ phiếu lòng vòng của Ban lãnh đạo doanh nghiệp, gây thiệt hại cho các cổ đông, nhà đầu tư.

Đối với những trường cố tình chây ỳ không chịu lên sàn, cần có chế tài nghiêm khắc hơn, như tăng mức xử phạt hành chính đối với công ty đại chúng không phải là DNNN; quy trách nhiệm, thậm chí cách chức người đứng đầu DNNN... Tuy nhiên đối với những trường hợp chậm niêm yết do đang thực hiện tái cơ cấu, tăng vốn, không đủ số lượng cổ đông cần thiết..., cơ quan quản lý Nhà nước cần gia hạn thời hạn đăng ký niêm yết cho các doanh nghiệp này để chuẩn bị đủ điều kiện lên sàn.

Đối với DNNN sau CPH, ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính DN- Bộ Tài chính, cho biết Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã CPH thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK theo quy định của pháp luật.   

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, giới chuyên gia cho rằng, các công ty đại chúng cần phải công khai, minh bạch thông tin, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ cam kết với cổ đông, áp dụng hệ thống kế toán, kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế. Khi hoàn thiện pháp luật công bố thông tin (CBTT) của công ty đại chúng trên TTCK, cần có các quy định về bảo vệ nhà đầu tư trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng trên TTCK trong Luật Chứng khoán sửa đổi.