Vì sao doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế?

23:55 05/07/2022

Doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng các công ty thương mại để cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hoá và tự động hóa cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp... là giải pháp chuyên gia Nhật Bản chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công Thương, những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Tuy nhiên, năng suất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại nhiều địa phương còn khá thấp, thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, việc cấp vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó, thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng và giá rẻ ở nước ngoài…

Ông Akutsu Michio - chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản nêu rõ, theo báo cáo của Jetro, năng suất lao động của lao động địa phương tại Việt Nam còn thấp, tỷ lệ chất lượng lao động chỉ đạt 14,4%. Hơn nữa, nhân tài có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tốt.

Ngoài ra, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu khiến việc tiếp cận nguồn vốn, tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu giá thành cạnh tranh gặp khó khăn cũng như thiếu thông tin từ các nhà cung cấp nước ngoài.

Do đó, theo ông Akutsu Michio, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng các công ty thương mại để cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hoá và tự động hoá cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp.

Theo ông Vũ Bá Phú Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp hỗ trợ đã tạo được công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp doanh thu đáng kể vào cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam. Nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã có những tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương triển khai thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đức Anh