Vì sao doanh nghiệp khởi nghiệp 'ngại' xác lập quyền sở hữu trí tuệ?

00:00 12/10/2020

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) ngại xác lập quyền sở hữu trí tuệ do thủ tục phức tạp, mất thời gian chờ đợi, tốn kém chi phí...

SHTT đóng vai trò quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Giá trị gia tăng mà tài sản trí tuệ mang lại cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, xã hội ngày càng cao.

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sở hữu trí tuệ trên cả nước. Đồng thời tiến hành rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Có thể nói cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Hoạt động của toàn hệ thống SHTT đã đạt được những kết quả khả quan.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nói thêm, Bộ KH&CN và các cơ quan chức năng hiện cũng đang tập trung thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cùng đề cập tới vấn đề trên, ông Phan Ngân Sơn, Phó cục trưởng Cục SHTT cho rằng, thực tế cho thấy giá trị tài sản trí tuệ có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình.

Do đó, việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Cũng theo ông Phan Ngân Sơn, tầm quan trọng của SHTT đối sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và đối với các dự án khởi nghiệp sáng tạo nói riêng được thể hiện rất rõ ràng.

Đơn cử như tại Mỹ, chỉ một vài thập kỷ trước, tài sản vô hình như SHTT chỉ chiếm khoảng 20% tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2005, tỷ lệ tài sản vô hình của doanh nghiệp đã tăng lên, chiếm khoảng 80% và đến năm 2015, con số này là 87%.

SHTT đóng vai trò quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Nhiều startup ngại xác lập quyền SHTT

Tại Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển ngày mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ SHTT hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do.

Số liệu từ Cục SHTT cho thấy hiện 80% doanh nghiệp khởi nghiệp chưa hiểu rõ tầm quan trọng của SHTT trong khởi nghiệp và có quá ít startup chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ SHTT cũng như biết cách quản trị thương hiệu. Bởi vậy, các startup rất dễ gặp khó khăn khi phải đối mặt với các tranh chấp, kiện tụng.

“Tình trạng trên có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền SHTT của các doanh nghiệp. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo với SHTT là hết sức quan trọng”, ông Phan Ngân Sơn nói.

Còn theo nhận định nhiều luật sư, nhà chuyên môn, tình trạng thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ phức tạp, khó tiếp cận, khó hiểu, phải chờ đợi lâu và tốn kém đang là những lý do khiến nhiều startups không thích xác lập quyền sở hữu trí tuệ, kể cả các doanh nghiệp hoạt động lâu năm tại Việt Nam.

Một lý do khác khiến nhiều chủ doanh nghiệp ngại xác lập quyền SHTT là quan ngại về rủi ro bị rò rỉ bí mật kinh doanh, giải pháp công nghệ khi phải trình bày nhiều nội dung mô tả chi tiết trong hồ sơ đăng ký với cơ quan SHTT.

Liên quan tới vấn đề trên, PGS. TS. BS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác Phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, giá trị lớn nhất của một startup nằm ở nhà lãnh đạo, ý tưởng mới, giải pháp mới, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

“Nếu không xác lập quyền SHTT với các tài sản ấy thì startup chẳng có gì để nói chuyện với nhà đầu tư và khách hàng cả. SHTT mới chính là ‘nguồn vốn’ để bạn đi mặc cả với nhà đầu tư”, ông Phạm Xuân Đà cho hay.

Bảo Lâm