Vì sao cổ phiếu mía đường tăng mạnh?

00:00 12/10/2020

Trong giai đoạn đầu năm 2020, nhiều cổ phiếu mía đường đã tăng giá rất mạnh dù ngành đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng và quan điểm “không bao cấp” của Chính phủ. Vậy, yếu tố nào đang hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu ngành này?

Trong khi thị trường chung vẫn đang chật vật trong sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cơ hội thưa thớt xuất hiện trên thị trường, riêng nhóm cổ phiếu mía đường đã ghi nhận mức tăng tới hơn 30% trong tuần giao dịch vừa qua (10-14/2).

Tăng mạnh nhất trong nhóm này là cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La, hiện đã chinh phục được mức giá gần 60.000 đồng/cp sau một thời gian dài duy trì vùng giá 42.000 đồng/cp. Như vậy, trong 8 phiên giao dịch gần nhất, SLS đã cộng thêm cho mình 44% giá trị.

Kinh doanh khởi sắc

Tương tự, LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn cũng tăng 40,4% từ 4.410 đồng/cp lên 6.190 đồng/cp chỉ sau 8 phiên giao dịch. Trong chuỗi tăng giá này của LSS có tới 5 phiên tăng trần và chỉ có 1 phiên điều chỉnh (ngày 18/2).

Bên cạnh đó, cổ phiếu đầu ngành là SBT của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa vẫn nối dài được đà tăng từ tuần trước, từ mức giá 18.000 đồng/cp lên 22.000 đồng/cp (phiên 19/2), tương đương 22,2%.

Không chỉ tăng mạnh về giá trị, SBT còn là cổ phiếu có thể đáp ứng được dòng tiền lớn khi thường xuyên có thanh khoản trên 1 triệu cổ phiếu/phiên. Trong 5 phiên gần nhất, cổ phiếu này còn có khối lượng giao dịch đột biến lên trung bình khoảng 2,4 triệu đơn vị/phiên, cho thấy nhà đầu tư đang đẩy mạnh giao dịch.

Cũng trong khoảng thời gian này, một cổ phiếu ngành mía đường khác là KTS của CTCP Mía đường KonTum đã tăng 42,3% từ 7.800 đồng/cp lên 11.100 đồng/cp như hiện nay, với thanh khoản không nhiều nhưng cũng được nhà đầu tư nhỏ lẻ tích cực giao dịch hơn.

Nhìn vào diễn biến như vậy, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi giá nhóm cổ phiếu ngành mía đường đã gần như khiến các nhà đầu tư quên lãng vì sự khó khăn mà nhiều năm qua các doanh nghiệp ngành này phải trải qua.

Tuy nhiên, trên thực tế, "gió đã đổi chiều" tại quý II của niên độ tài chính 2019-2020. Theo đó, nhờ khoản lãi 8,7 tỷ đồng ở quý II mà lợi nhuận 6 tháng của Mía đường Lam Sơn đạt 9,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ.

Kết quả kinh doanh quý vừa qua của Thành Thành Công - Biên Hòa cũng có sự cải thiện đáng kể khi lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 12 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ đến 33,7 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng, chỉ tiêu này đạt đến 50 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ.

Với Đường Kon Tum, lợi nhuận sau thuế quý II đạt 2,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 891 triệu đồng của cùng kỳ và bù đắp được hết khoản lỗ của quý I, giúp có lãi 490 triệu đồng sau 6 tháng. Còn Mía đường Sơn La có lợi nhuận quý II cũng tăng 45% so với cùng kỳ, lên 21,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, diễn biến giá của các cổ phiếu ngành mía đường cũng đang có sự cùng pha với giá đường thế giới khi tính đến giữa tháng 2, giá đường trên sàn ICE đã tăng 50% so với đáy năm 2019.

giai-ma-song-co-phieu-mia-duon-7702-6474

Các cổ phiếu mía đường bất ngờ tăng mạnh trong những phiên gần đây (Minh họa: Internet)

Vui được mấy ngày?

Thực tế, đà tăng của cổ phiếu ngành mía đường đã diễn ra trong bối cảnh nhiều thông tin bất lợi đang bủa vây. Có thể kể đến như tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ quan điểm: Nhà nước thì quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường, mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu tổ chức lại sản xuất để có năng suất tốt hơn, phù hợp với hội nhập quốc tế sâu rộng. Chính phủ cũng không đồng ý việc tiếp tục đề nghị gia hạn Hiệp định ATIGA cho ngành mía đường.

Mới đây, Chứng khoán FPT cũng đưa ra nhận định ngành đường Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do áp lực từ đường lậu Thái Lan nhập khẩu. Việc ATIGA có hiệu lực sẽ khiến các doanh nghiệp tiêu thụ đường trong nước có tâm lý chờ đường giá rẻ nhập chính ngạch từ Thái Lan.

Trước đó, theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nếu năm 2020 thực hiện ATIGA, đường nhập khẩu chính ngạch tràn vào Việt Nam, giá đường trong nước sẽ phải giảm thêm 15 - 20% khiến doanh nghiệp mía đường trong nước và 33 vạn hộ nông dân chịu tác động lớn. Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày sẽ phải phá sản, đóng cửa do không thể cạnh tranh.

Hiện, cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, đạt mức cao kỷ lục của ngành. Các công ty mía đường Việt Nam đang phải gồng mình để tìm đầu ra cho sản phẩm. Hơn nữa, ngành mía đường cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới; giá mía đường trong nước thường cao hơn so với khu vực và thế giới tính từ 3 niên vụ gần đây.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, hội nhập mang đến nhiều thách thức nhưng ngành mía đường cũng có những cơ hội trước mắt. Cụ thể, trong năm 2020, ngành mía đường thế giới được dự báo là đi xuống, trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá đường có thể tăng lên.

Cơ hội phát triển ngành đường vẫn còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất điện, ván ép, phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật… Do đó, niềm vui của các cổ đông, nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngành mía đường được bao lâu sẽ nằm trong chính nội tại các doanh nghiệp.

Linh Đan