Sau khi tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp, tổ chức hội liên quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản trả lời Công văn số 4794/BTP-VĐCXDPL của Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đáng chú ý, trong đó có nội dung về phí và lệ phí nằm ngoài Danh mục của Luật Phí và lệ phí.
Theo đó, chính sách 3 của Dự thảo đề xuất cho phép Hà Nội áp dụng những khoản phí chưa được quy định trong Danh mục của Luật Phí và lệ phí. Việc này có thể giúp Hà Nội có thể cung cấp thêm các dịch vụ công phù hợp với đặc điểm của thành phố mà không cần thiết phải sửa đổi văn bản ở cấp luật.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc thống nhất danh mục tại Luật Phí và lệ phí trước đây là nhằm tránh tình trạng các cơ quan nhà nước đặt ra các loại phí, lệ phí bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc cho phép chính quyền Hà Nội đặt ra loại phí mới cần được thực hiện một cách thận trọng.
Từ đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm hai nguyên tắc để bảo đảm tránh sự tùy tiện khi thực hiện:
Thứ nhất, việc đặt thêm các loại phí mới vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc của Luật Phí và Lệ phí, gồm có: phí phải gắn liền với việc cung cấp dịch vụ công, mức phí nhằm bù đắp chi phí.
Thứ hai, việc đề xuất và ban hành loại phí mới phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ thuộc lĩnh vực dịch vụ công liên quan; đồng thời phải tiến hành lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động như người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đại diện.
Thứ ba, công tác thẩm định đề xuất chính sách và dự thảo văn bản pháp luật về loại phí mới phải được thực hiện theo hình thức Hội đồng thẩm định với đầy đủ thành phần các bên liên quan, nhất là đại diện của nhóm đối tượng chịu tác động.
Chính sách 3 của Dự thảo còn đề xuất cho phép Hà Nội áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội mức phụ thu tăng thêm tối đa 50% trên mức thuế hoặc thuế suất do Quốc hội quy định ở một số sắc thuế gián thu nhằm điều tiết tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc hàng hóa, dịch vụ khác cần điều tiết tiêu dùng.
Quy định này được hiểu là sẽ áp dụng cho các loại hàng hóa, dịch vụ hiện đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu việc đánh thuế những hàng hóa, dịch vụ này khác nhau giữa Hà Nội và các địa phương lân cận thì sẽ gây xáo trộn lớn đối với thị trường đó.
Nếu áp dụng với hàng hóa thì sẽ có người mua hàng ở nơi thuế thấp để bán lại ở nơi thuế cao, khi đó Nhà nước lại cần thêm các biện pháp kiểm soát để tránh thất thu thuế.
Trường hợp áp dụng với dịch vụ thì sẽ khiến người tiêu dùng di chuyển sang các tỉnh xung quanh Hà Nội để sử dụng dịch vụ.
Các cơ sở kinh doanh trong Hà Nội sẽ sụt giảm doanh thu và có thể dẫn đến tình trạng dù thuế suất tăng nhưng tổng số tiền thuế Hà Nội thu được lại giảm. Biện pháp này sẽ gây thiệt hại lớn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Hà Nội.
Với các lý do kể trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ biện pháp này khỏi đề xuất chính sách.
PV