Vào CPTPP: Cơ hội lớn phát triển nền nông nghiệp thông minh

00:00 12/10/2020

Trao đổi với PV Báo NTNN, TS Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, vào CPTPP Việt Nam có nhiều cơ hội hơn thách thức, góp phần nâng cao vị thế cho đất nước và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Việc tham gia Hiệp định CPTPP là một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam. Điều này khẳng định sự tự tin, chủ động tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đây cũng là điều chúng ta mong muốn từ lâu, qua đó nhằm khẳng định dân tộc ta với một lực lượng lao động nông dân đông đảo đã đứng vững trên đôi chân của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. vao cptpp: co hoi lon phat trien nen nong nghiep thong minh hinh anh 1

Cần chú trọng đào tào nghề cho nông dân để thích ứng với quá trình hội nhập. Ảnh: TTXVN

Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức. Bởi xu thế toàn cầu hoá hội nhập quốc tế, dù chúng ta mới thu nhập bình quân đầu người 2.300USD/năm, so với Australia là 56.000USD/người, thế nhưng tiềm năng lợi thế của chúng ta rất lớn, cả về địa tự nhiên, địa xã hội mà ngay cả 11 nước trong CPTPP không có.

Thực tế là không riêng gì các nước trong CPTPP mà rất nhiều quốc gia khác đều muốn hợp tác với Việt Nam. Vào CPTPP, điều mà tôi nghĩ đến đầu tiên đó là chúng ta sẽ đón nhận những nhà khoa học lớn, doanh nghiệp mạnh về nông nghiệp, họ sẽ đến Việt Nam để đầu tư, nghiên cứu. Với tầm nhìn và trình độ của họ, đây sẽ là những người “thầy giáo”, là những doanh nghiệp giỏi mà chúng ta có thể tiếp cận, hợp tác.

Thứ hai, những nước như Canada, Nhật Bản, Australia đều có những sản phẩm công nghiệp phục vụ nông nghiệp rất hiện đại. Chúng ta sẽ đón nhận điều đó để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp của đất nước, từ đó thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Thuận lợi thứ ba, tôi cho rằng, những người lao động nông dân sẽ có thêm nguồn lực tài chính lớn, cộng với nguồn tài chính trong nước cho phép người nông dân cân đối nguồn lực đầu tư phát triển theo hướng giảm đầu vào, tăng đầu ra, hiệu quả tăng dần trên một đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy có những thách thức khó khăn, đòi hỏi phải đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là 41 triệu lao động nông thôn, khi hội nhập phải có kỹ năng canh tác nông nghiệp ở trình độ quốc tế, đồng thời có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, mà cốt lõi là ngoại ngữ.

Các nước cũng đang có nhu cầu rất cao nông sản sạch, thực phẩm an toàn. Thế thì công tác tuyên truyền, vận động phải tạo sự đồng thuận trong sản xuất, tiến tới cạnh tranh lành mạnh. Đây không chỉ là thách thức với người nông dân mà còn là thách thức cả với chính quyền, các cơ quan đoàn thể, trong đó có Hội ND.

Chính vì vậy, khi chuẩn bị cho đại hội đại biểu Hội NDVN lần thứ VII sắp tới, chúng tôi cũng đã ra 1 khẩu hiệu, đó là: Đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp, trí thức hoá nông dân, văn minh hoá, hiện đại hoá nông thôn để vượt qua những thách thức này.

Thiên Hương (ghi)