Vận chuyển hàng hóa hàng không: 88% thị phần nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài

23:10 23/09/2022

Các hãng Air Cargo quốc tế như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo đang là những đối thủ nặng ký mà doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh tìm cách giành thị phần.

Phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống thương mại toàn cầu hiện tại. Ước tính 35% giá trị thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường hàng không.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của ba hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific) chỉ chiếm khoảng 12%.

88% thị phần vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài
88% thị phần vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, 88% thị phần này đang nằm trong tay 64 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam. Các hãng Air Cargo quốc tế như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo đang là những đối thủ nặng ký mà doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh tìm cách giành thị phần.

Theo Nikkie Asia, các nhà khai thác lớn như DHL Express của Đức và ANA của Nhật Bản ngày càng nhắm đến thị trường Việt Nam. DHL đang đẩy mạnh các dịch vụ vận chuyển hàng hóa thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ.

Mỗi tuần một lần, một máy bay vận tải Boeing 777 sẽ bay từ Sydney, Australia đến TP.HCM, trước khi đến sân bay Chubu ở miền trung Nhật Bản và sau đó là bang Ohio ở Mỹ. Năng lực vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ của DHL sẽ tăng 27% so với trước đây lên hơn 940 tấn/tuần.

Trong khi đó, hãng vận tải ANA Cargo thuộc tập đoàn ANA Holdings của Nhật Bản đã bắt đầu đưa vào khai thác dịch vụ vận tải hàng hóa hàng ngày bằng đường không trên tuyến Việt Nam và sân bay Narita vào tháng 3.

Không chỉ DHL và ANA Cargo, các hãng Korean Air của Hàn Quốc, China Airlines và EVA Air của Đài Loan (Trung Quốc) cũng có các chuyến bay chở hàng đến và đi từ Việt Nam. Korean Air chở các điện thoại thông minh do Samsung Electronics sản xuất ở Việt Nam tới các thị trường xuất khẩu.

Trong khoảng thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đã tăng trưởng và trở thành phao cứu sinh cho các hãng hàng không.

Cuối năm 2020, công ty giao hàng DHL Express thuộc Tập đoàn Deutsche Post AG dự đoán lượng hàng hóa vận tải và mua sắm trực tuyến sẽ tăng chưa từng có. Khu vực chứng kiến nhu cầu cao đột biến là Thái Bình Dương. Trong đó, thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á đang nhộn nhịp nhất.

Nhờ vậy, các hãng hàng không châu Á đều được hưởng lợi. Nhiều công ty bổ sung thêm hàng hóa vào kho, tăng dự trữ hàng hóa bán lẻ và tốc độ phát triển thương mại điện tử tăng chóng mặt... Đây là những yếu tố thúc đẩy vận tải hàng hóa đường không phát triển đột biến.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu trong năm 2022 dự kiến sẽ bằng 1/5 so với năm 2019. Tuy nhiên, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không ước tính sẽ cao hơn 11,7% so với năm 2019 và cao hơn 4% so với năm 2021.

PV