Unilever Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa

15:29 05/12/2022

Unilever Việt Nam vinh dự là đại diện doanh nghiệp duy nhất từ Việt Nam tham gia Hội nghị bàn tròn Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 16 về Tiêu dùng và Sản xuất Bền vững vừa diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vào cuối tháng 11 vừa qua.

Ảnh minh họa
Với những nỗ lực không ngừng trong việc thiết lập và thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn, cụ thể đối với việcquản lý rác thải nhựa, Unilever Việt Nam đã được vinh danh tại Giải thưởng CSR Awards 2022 do Saigon Times Group tổ chức

Chương trình lần này hướng đến 3 mục tiêu chính xoay quanh việc thúc đẩy các phương pháp, chương trình và sáng kiến nổi bật, các bài học kinh nghiệm liên quan đến tiêu dùng và sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn và phi phát thải tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Từ đó, xác định và xây dựng các phương thức hợp tác nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và tổ chức, đồng thời tăng cường thảo luận và chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong việc mở rộng quy mô các công nghệ, chiến lược, công cụ và phương pháp.

Tại Hội nghị, Unilever Việt Nam đã đại diện doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình hợp tác công tư nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Chương trình Hợp tác Công – Tư này đã được Unilever Việt Nam, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hai doanh nghiệp đối tác khác khởi xướng và thúc đẩy từ năm 2020 nhằm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam. Trọng tâm của Hợp tác Công – Tư xoay quanh bốn nội dung:

Thứ nhất, hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa thông qua thiết lập hệ thống phân loại và thu gom tại Việt Nam;
Thứ hai, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn nhờ vào các hoạt động truyền thông, giáo dục và các ngày hội thu gom rác thải nhựa;
Thứ ba, tăng cường áp dụng đổi mới, khoa học - công nghệ và các giải pháp phát triển bao bì bền vững và tái chế rác thải nhựa;
Thứ tư, tăng cường đối thoại chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Là một thành viên sáng lập của nhóm Hợp tác Công – Tư tại Việt Nam, Unilever luôn tiên phong và chủ động thúc đẩy mô hình Kinh tế Tuần hoàn thông qua đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống phân loại rác tại nguồn và thu gom, xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra ngoài thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp còn nỗ lực không ngừng nghỉ để giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh, tăng cường nhựa tái chế và hướng đến không sử dụng nhựa trong bao bì sản phẩm; cũng như đảm bảo tất cả bao bì đều có khả năng tái chế.
Đến nay, Unilever Việt Nam đã đóng góp vào thành quả của nhóm Hợp tác Công – Tư với hơn 17.000 tấn rác thải nhựa đã được thu gom, xử lý và tái chế, đạt 77% bao bì có khả năng tái chế, cũng như giảm 55% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái sinh.

Ảnh minh họa
Bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ trong Hội nghị

Bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ: “Tầm nhìn của chúng tôi chính là trở thành một trong những Doanh nghiệp dẫn đầu trong Kinh doanh bền vững, mang cuộc sống bền vững trở nên phổ biến. Chúng tôi hiểu sâu sắc những bối cảnh tại địa phương sẽ tạo nên những tác động to lớn cho các hoạt động mà chúng tôi theo đuổi. Chính vì thế, thúc đẩy hợp tác Công – Tư toàn diện, gắn kết khối doanh nghiệp và các Cơ quan Ban ngành chính là trọng tâm của Unilever Việt Nam, nhằm tạo nên những hoạt động mang tính ảnh hưởng và lan tỏa cao hơn, giúp cuộc sống tươi đẹp và bền vững hơn”.

Được biết, trong chuỗi chương trình, Unilever Việt Nam và các đơn vị tham gia hội nghị cũng đã tham quan và tìm hiểu mô hình “Zero Waste” tại cộng đồng Wang Wa, Thái Lan. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp và tổ chức trong khu vực có thể học hỏi kinh nghiệm về mô hình quản lý rác thải nhựa bền vững của xứ sở chùa vàng theo cơ chế hợp tác Công – Tư, từ đó vận dụng cho đất nước của mình.
Theo đó, rác sinh hoạt, rác có thể tái chế, rác vô cơ được tái chế, sản xuất thành các vật liệu như gạch sinh thái, hay các vật dụng sinh hoạt như chậu cây, nón, giỏ xách…Trong khi đó, rác hữu cơ được tách riêng để tái chế thành phân bón hữu cơ để phục vụ cộng đồng và thương mại hóa để có chi phí vận hành và tạo ra các phúc lợi cho cộng đồng như khám chữa bệnh cho người dân, học phí cho trẻ em, qui đổi thành nhu yếu phẩm thông qua rác tái chế thu gom được…Đối với rác sinh hoạt không thể tái chế, Chính phủ sẽ thu gom và xử lý.

Lâm Nghi