Ứng dụng Khoa học- Cơ hội và thách thức của Nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới

21:43 07/07/2021

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi một sự bứt phá hướng vào việc gia tăng giá trị, nâng cao hiệu suất và đổi mới sáng tạo, từ phát triển chiều rộng hướng vào phát triển chiều sâu, từng bước thực hiện mục tiêu đưa ngành Nông nghiệp Việt Nam trở thành một trong 15 nước có ngành nông nghiệp phát triển nhất thế giới vào năm 2030.

Những năm gần đây, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước. Trước thực tế đó, Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế toàn cầu với các chỉ số tăng trưởng đều đặn trên 2% hàng năm. Riêng đối với 6 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 3,82% tổng giá trị GDP toàn ngành. Đặc biệt, chúng ta cũng đã làm được nhiệm vụ khó khăn là thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh với kết quả sản xuất tăng trưởng và đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia trong mọi hoàn cảnh.

Cùng với việc tham gia các FTA thế hệ mới, thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng, cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ được triển khai đem lại giá trị hàng hóa lớn, thân thiện với môi trường. Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước dịch chuyển và và phát triển đi vào chiều sâu, nhằm đáp ứng những thị trường khó tính, theo tiêu chuẩn chất lượng cao.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: internet)

Trong bối cảnh mới của năm và những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để hoàn thành được mục tiêu dài hạn, Nông nghiệp Việt Nam vẫn đứng trước không ít những khó khăn trước mắt, đòi hỏi ngành Nông nghiệp hướng vào việc gia tăng giá trị, nâng cao hiệu suất và đổi mới sáng tạo, nhằm thích ứng trước những biến đổi bất ổn của thị trường toàn cầu và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Điều đó đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Lê Minh Hoan đã có bài phát biểu tâm huyết về cuộc cách mạng 4.0 đối với ngành Nông nghiệp. Bộ trưởng khẳng định: Có đi thì mới đến. Chúng ta có nhiều ý định nhưng không hành động thì không bao giờ đạt được điều gì cả. Tại sao chúng ta lại sợ những cái mới, e dè những cái mới. Phải chăng trong tâm thức của chúng ta cũng muốn thiên về cái gì bình an, muốn sống trong vỏ bọc cho an toàn, bởi cái mới nhiều khi kèm theo cái gì đó rườm rà, rắc rối, rủi ro. Theo Bộ trưởng, Câu chuyện chuyển đổi số nếu nhìn rộng dài, không chỉ là câu chuyện tận dụng hay ứng dụng công nghệ để làm tăng trưởng, mà là để giúp cho hàng chục triệu hộ nông dân khi tiếp cận được công nghệ số thì tri thức mở ra cho người nông dân. Đó mới là giá trị.

Trong tâm thư gửi các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp, Bộ trưởng cũng đã bày tỏ sự kỳ vọng dựng xây và vận hành “hệ sinh thái nông nghiệp” vì sự phát triển bền vững của ngành, vì sự thịnh vượng của đất nước. Bộ trưởng nhắn nhủ: Chúng ta cùng nhau thay đổi, chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” đến tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Chúng ta cùng nhau chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Cùng nhau theo đuổi mục tiêu tạo thêm giá trị gia tăng, thay cho mục tiêu nâng cao sản lượng. 

Dâu Tây - một sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Dâu Tây - một sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. (Ảnh: internet)

Hiện nay ngành Nông nghiệp Việt Nam với nền tảng khoa học vốn có gồm 11 viện nghiên cứu với gần 8.000 cán bộ, kết hợp với đó là chương trình phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu đưa nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp lên tầm cao mới đang dần đưa nền Nông nghiệp Việt Nam vào “đường băng” để sẵn sàng cho một sự cất cánh an toàn. Để có thể đi vào đường băng đó, chúng ta cần động lực. Bởi theo Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, yếu tố cản trở lớn nhất với hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học nhà nước không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất, mà chính là đội ngũ cán bộ thiếu động lực. Các công trình nghiên cứu khoa học nông nghiệp lâu nay, vì nhiều lý do, dẫn tới hạn chế tính ứng dụng, hoặc không được ứng dụng trong thực tiễn mà chỉ dừng lại trên giấy. Thấu hiểu điều đó, vị Tư lệnh của ngành nông nghiệp nhấn mạnh: Giá trị gia tăng trong nông nghiệp bắt đầu từ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chuyển ra các khu thực nghiệm, khảo nghiệm và từng bước được đón nhận tại các trang trại, nông trại,... Giá trị gia tăng trong nông nghiệp khởi nguồn từ những câu hỏi từ cuộc sống. Đó là, làm sao để nông sản đạt chất lượng và giá trị cao hơn? Đó là, làm sao để tối ưu hoá giá trị được tạo ra trên một đơn vị diện tích? Đó là, làm sao để thu nhập và chất lượng sống của người nông dân ngày một tốt hơn? Trước khi tạo ra giá trị cho cuộc sống, mỗi người cần tìm ra giá trị của chính bản thân mình.

Người nông dân trên cánh đồng rau sạch
Người nông dân trên cánh đồng rau sạch. (Ảnh: minh họa)

Theo Bộ trưởng, mọi việc rồi sẽ chuyển động theo hướng tích cực. Theo đó,  vị trí của khoa học công nghệ, “thị trường” khoa học cũng có sự thay đổi theo phướng phù hợp hơn. Nhưng trước khi chờ đợi keetsquar từ một quy luật, chúng ta phải tự củ động để thay đổi. từng bước “thương mại hoá”, đưa đề tài, sản phẩm nghiên cứu khoa học đến với thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nông dân, của doanh nghiệp, của toàn xã hội.

Trên cơ sở những lợi thế vốn có của ngành Nông ngiệp, những thành quả mà chúng ta đã nỗ lực có được trong những giai  đoạn vừa qua, nếu chúng ta giám mạnh dạn thay đổi để ứng dụng tối ưu kết quả của thành tựu khoa học vào tư duy kinh tế nông nghiệp thì mục tiêu thứ hạng ở năm 2030 của nền nông nghiệp Việt Nam không còn là một mục tiêu xa. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói: Muốn đi xa, chúng ta phải đi cùng nhau, chúng ta cứ đi rồi sẽ đến. Và để đến được hành trình định vị nền Nông nghiệp nuốc nhà trên đường băng đi đến đích khẳng định thứ hạng, không thể chần chừ trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0- đưa thành tựu khoa học ứng dụng sâu rộng trong sản xuất. Chuyến bay về đích của chúng ta có thành công, đáp đích an toàn hay không sẽ phụ thuộc vào thái độ của những người nhập cuộc.

Ngọc Lâm