Ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế: Sản phẩm nghiên cứu khoa học vẫn xa thị trường

00:00 12/10/2020

Được đánh giá có tiềm năng về KH&CN trước CMCN 4.0, tuy nhiên thực tế triển khai ứng dụng KH&CN tại Việt Nam lại chưa như kỳ vọng.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) hay ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) mang đến những đột phá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam lại chưa như kỳ vọng.

Tại Nghị quyết tháng 9/2018, Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào thực chất hơn.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng về khoa học và công nghệ trước CMCN 4.0. (Ảnh minh họa: KT).

 

GDP quý 3/2018 duy trì đà tăng cao, ước đạt 6,88%; 9 tháng ước đạt 6,98%, cao nhất so với cùng kỳ 7 năm qua. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nước ta còn gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó có KH-CN và CMCN 4.0 tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế trên nhiều phương diện.

Theo TS Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, tác động của CMCN 4.0 hay việc ứng dụng KH&CN đã tạo ra những bước đột phá của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có nhiều lợi thế trước CMCN 4.0, tuy nhiên việc ứng dụng KHCN lại chưa đạt như kỳ vọng.

TS Hoàng Xuân Hòa cho rằng, nguyên do là Việt Nam vẫn còn thiếu khung hành lang pháp lý, việc hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách để đưa các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) triển khai sâu rộng vào cuộc sống, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đưa KH&CN thực sự trở thành lực lượng sản xuất quan trọng để phát triển kinh tế.

Ngoài ra, Việt Nam còn chậm chạp trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sang xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ "công nghệ cao", phức tạp hơn và có hàm lượng tri thức cao.

"Việc mắc kẹt trong các hoạt động tạo ít giá trị gia tăng đã hạn chế khả năng học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sáng tạo. Xuất phát điểm và mặt bằng KHCN cũng như trình độ phát triển của nước ta còn thấp so với thế giới như chất lượng hệ thống dạy và học hạn chế, doanh nghiệp ít sáng tạo, thiếu năng lực nghiên cứu và phát triển...", TS Hoàng Xuân Hòa phân tích.

Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2020 đặt ra yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt 15-20%/năm, có nghĩa sau khoảng 5 năm, các doanh nghiệp Việt phải đổi mới được một thế hệ công nghệ. Xét thực tế đây là con số quá cao, tuy nhiên lại là con số quá thấp so với tốc độ phát triển và đổi mới KHCN trên thế giới.

Giới chuyên gia nhận định, để có thể đạt được mục tiêu về đổi mới công nghệ hay nói cách khác là tăng cường ứng dụng KHCN vào cuộc sống, ngoài vấn đề chính sách, thì nhân lực có trình độ KHCN, đặc biệt là đội ngũ trí thức KHCN trẻ cần phải được tạo điều kiện phát huy sức mạnh. Bước đầu tiên chính là môi trường giáo dục từ ghế nhà trường.

PGS-TS Đặng Ngọc Dinh đánh giá sự kết nối lỏng lẻo giữa đại học và thị trường dẫn tới giảng viên, gạch nối quan trọng giữa nhà trường và doanh nghiệp, thiếu tiếp xúc thực tiễn thị trường và kinh doanh. Do đó, giảng viên hạn chế trong việc truyền cảm hứng để sinh viên ứng dụng kiến thức KHCN hướng tới thị trường. Đối với các viện nghiên cứu cũng có tình trạng tương tự.

"Ví dụ, Việt Nam hiện đã có một số trường đại học tự phát triển những vườn ươm và dành quỹ đất cho việc ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đó là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, tư duy tự làm tất cả, dẫn đến kém hiệu quả đối với các dự án khởi nghiệp tiềm năng...", PGS-TS Đặng Ngọc Dinh cho hay.

Ngoài ra, nhiều sàn giao dịch KH&CN đã được thành lập ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tuy nhiên, hiệu quả không được như kỳ vọng là do các sàn giao dịch chưa tập hợp đủ nhu cầu, cũng như công khai minh bạch các nhu cầu đó.

Cách thức tiếp cận của các sàn giao dịch KH&CN đối với doanh nghiệp cũng chưa phù hợp. Sàn giao dịch KH&CN phải là nơi thể hiện rõ doanh nghiệp cần công nghệ gì, có bao nhiêu lựa chọn công nghệ cho mục đích của doanh nghiệp, thời điểm nào cần áp dụng.../.

Vân Anh