Ứng dụng Bluezone vượt mốc 30 triệu lượt tải

15:24 02/03/2021

Tính đến 11h30 ngày 2-3, ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone đã đạt 30.007.091 lượt tải, tăng 11.090 lượt tải so ngày 1-3 và tăng hơn 5,2 triệu lượt tải so với ngày 28-1, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ ba trong cộng đồng.

Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về tỷ lệ cài đặt Bluezone trên dân số với 47.937 lượt tải (chiếm 42,31%), tiếp sau Hải Dương đã vươn lên vị trí thứ hai với 649.362 lượt tải (chiếm 38,08%), Hà Nội đứng thứ ba với 2.890.736 lượt tải (chiếm 35,89%), Quảng Ninh đứng thứ tư với 454.674 lượt cài đặt (34,44%), thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ năm với 2.749.830 lượt tải (30,58%). 

Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện tại, hơn 30 triệu người dùng Bluezone đã có thể khai báo y tế trực tuyến ngay trên ứng dụng Bluezone. Sau khi kê khai, thông tin dữ liệu sẽ được hệ thống cập nhật về các trung tâm chống dịch và cơ quan y tế của Việt Nam để được quản lý một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Để khai báo y tế, người dùng chỉ cần vào ứng dụng, bấm chọn khai báo y tế và cung cấp các thông tin dịch tễ.

Bên cạnh việc khai báo y tế, Bluezone cũng được bổ sung các tính năng như gửi phản ánh (người dân có thể thông qua đó phản ánh thông tin đến cơ quan chức năng về các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm Covid-19) cùng lịch và nhiều tiện ích khác. Trong thời gian tới, Bluezone sẽ hoàn thiện tính năng check mã QR.

Ứng dụng Bluezone ghi nhận chính xác các tiếp xúc gần. Vì vậy, nếu mỗi người dân đều cài đặt và sử dụng Bluezone thì việc truy vết, khoanh vùng, cách ly sẽ nhanh và chính xác hơn; phạm vi cách ly cũng được thu hẹp, không có hiện tượng cách ly nhầm hoặc cách ly phạm vi rộng. Khi đó, xã hội vẫn duy trì được hoạt động hằng ngày; các doanh nghiệp, nhà hàng, khu công nghiệp... vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh, chung sống với dịch bệnh.

Việc ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh vẫn đang được chú trọng tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là bằng công nghệ.

Ứng dụng truy vết TraceTogether tại Singapore

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng giải pháp truy vết bằng công nghệ Bluetooth trên quy mô toàn quốc.

Các quốc gia phòng chống COVID-19 như thế nào khi chưa có vaccine? - Ảnh 1.

Ứng dụng truy vết TraceTogether đã được giới thiệu từ tháng 3, tức là thời điểm dịch bắt đầu lây lan rộng ở nước này. Nhờ tín hiệu Bluetooth khoảng cách ngắn được trao đổi giữa các điện thoại thông minh, TraceTogether có thể xác định những người đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19 trong vòng 2 m với khoảng thời gian ít nhất là 30 phút.

Dữ liệu thu thập được sẽ được mã hóa và lưu trữ cục bộ trên điện thoại của người dùng, chỉ được chuyển đến cơ quan chức năng nếu có xác nhận người đó đã nhiễm COVID-19. Việc tải xuống và kích hoạt ứng dụng là bắt buộc đối với những nhóm người có nguy cơ cao.

Tính tới giữa tháng này, đã có hơn 2,3 triệu lượt tải ứng dụng truy vết TraceTogether, tương đương hơn 40% dân số Singapore.

Truy vết COVID-19 bằng GPS và Bluetooth tại Thái Lan

Tại Thái lan, ứng dụng có tên Mor Chana được xem là công cụ mạnh mẽ giúp người dùng đánh giá nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2, hỗ trợ nhà chức trách tìm ra người có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.

Các quốc gia phòng chống COVID-19 như thế nào khi chưa có vaccine? - Ảnh 2.

Mor Chana dùng công nghệ GPS và Bluetooth để theo dõi địa điểm. Nếu nhân viên y tế sử dụng ứng dụng, họ sẽ biết được ai từng tiếp xúc gần với bệnh nhân và tránh được nguy cơ lây nhiễm. Còn với người dùng thông thường, họ có thể dùng để biết được khu vực nào có nguy cơ cao và điều chỉnh kế hoạch đi lại.

Người dùng sẽ nhận được kết quả về nguy cơ lây nhiễm, hiển thị bằng 4 màu: xanh (thấp nhất), vàng (thấp), cam (rủi ro), đỏ (rủi ro cao). Tất cả dữ liệu được thu thập và hiển thị dưới dạng ẩn danh. Một hội đồng độc lập được thành lập để theo dõi quy trình xử lý dữ liệu, bảo đảm tuân theo các điều khoản trong luật. Mọi hồ sơ sẽ được xóa ngay lập tức một khi khủng hoảng dịch bệnh chấm dứt.

Truy vết COVID-19 bằng mã QR tại Malaysia

Malaysia đang áp dụng công nghệ quét mã QR để truy vết dịch COVID-19.

Cụ thể, người dân Malaysia khi đến những nơi công cộng như trung tâm mua sắm, các cửa hàng và nhà hàng đều phải quét mã QR và sau đó nhập thông tin cá nhân của họ. Điều này cho phép chính quyền nhanh chóng truy vết và thông báo cho bất kỳ ai có thể đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19.

Tuy có những lo ngại về bảo vệ quyền riêng tư nhưng hầu hết người tiêu dùng Malaysia đều ủng hộ việc sử dụng công nghệ này. Mã QR trước đây thường được sử dụng cho những hoạt động đơn giản như tìm nguồn gốc sản phẩm, thanh toán điện tử nhưng hiện tại, công nghệ này đã thực sự trở thành một phần thiết yếu của người dân Malaysia trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Lâm Anh