UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025

09:38 07/01/2021

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 29/12/2020 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong đó UBND tỉnh xác định mục tiêu tổng quan như: Khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của Nhân dân, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững. Củng cố quốc phòng, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

  Ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã.  

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ, định hướng phát triển đến năm 2025 của tỉnh gồm: Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, các khâu đột phá tại Nghị quyết số 01-NQ/ĐH XVII ngày 16/11/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nâng cao chất lượng lập, quản lý và thực hiện quy hoạch. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc. Giữ vững và nâng cao thành quả xây dựng nông thôn mới. Cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, nhất là đất đai. Tập trung phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ. Tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại. Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng kế hoạch 5 năm của ngành, địa phương mình phù hợp với kế hoạch của tỉnh, cụ thể hóa thành kế hoạch hàng năm, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình kế hoạch đã đề ra, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025; trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để giải quyết. UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Kế hoạch 5 năm của tỉnh, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh và theo dõi sát tình hình thực hiện Kế hoạch hàng năm, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch 5 năm trong trường hợp cần thiết.

Thúy Kiều