Tỷ phú Trần Hồ Hùng và hành trình trở thành người thống lĩnh ngành văn phòng phẩm tại Trung Quốc

10:13 02/06/2021

Tỷ phú Trần Hồ Hùng cũng thi đại học tới 3 lần như Jack Ma, chỉ khác ở chỗ là lần nào ông cũng trượt. Quá tuyệt vọng, 18 tuổi, ông quyết định đi làm thuê, nhưng cũng chẳng có nổi thành tựu gì sau 2 năm vì thiếu cả bằng cấp lẫn kỹ năng. Sau đó ông đã khởi nghiệp thành công nhờ cây bút bi giá 2 NDT, dám hạ mình làm giúp việc để chiêu mộ nhân tài: Thà làm đầu gà còn hơn đuôi phượng.

Học vấn không cao, kinh nghiệm không nhiều

Trần Hồ Hùng (Chen HuXiong) sinh năm 1970, trong một gia đình nông dân ở Sán Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc. Khi còn nhỏ gia cảnh nhà ông vô cùng nghèo khó, một gia đình 5 người chỉ trông chờ vào vụ thu hoạch hơn nửa sào ruộng để kiếm sống. Vì không đủ tiền ăn ở căng tin của trường, Chen Huxiong thường mang cháo từ nhà đến trường, đi xe đạp từ trường về nhà mất hơn một tiếng đồng hồ, vào mùa đông, anh thường ăn cơm nguội.

Khi còn học trung học cơ sở, ông đã từng mở một sạp hàng ở thị trấn để bán đậu phộng và bán hết 8kg trong vòng một tiếng. 

Tỷ phú Trần Hồ Hùng. Nguồn ảnh: Internet
Tỷ phú Trần Hồ Hùng. Nguồn ảnh: Internet.

Gia cảnh khó khăn nên Trần Hồ Hùng cũng chẳng mấy chú tâm đến việc học hành. Khi cả lớp đang chăm chỉ nghe giảng, ông lại lén lấy truyện kiếm hiệp ra đọc. Do đó, kết quả học tập của Trần Hồ Hùng luôn xếp trong top 3 từ dưới lên.

Trần Hồ Hùng cũng thi đại học tới 3 lần như Jack Ma, chỉ khác ở chỗ là lần nào ông cũng trượt. Quá tuyệt vọng, chàng thanh niên 18 tuổi quyết định đi làm thuê, nhưng cũng chẳng có nổi thành tựu gì sau 2 năm vì thiếu cả bằng cấp lẫn kỹ năng.

Năm 1989, khi đang chán nản muốn trở về nhà, Trần Hồ Hùng bắt gặp một hàng dài người đang đứng trước nhà máy sản xuất văn phòng phẩm để xin việc. Không còn gì để mất, Trần Hồ Hùng cũng trổ hết tài năng để ứng tuyển.

Buổi phỏng vấn giữa Trần Hồ Hùng và nhà tuyển dụng diễn ra như sau:

- "Học vấn?" "Tôi không có."

- "Kinh nghiệm?" "Tôi cũng không có".

- "Thế cậu có gì?" "Năm 10 tuổi, tôi mở quầy hàng trong thị trấn và bán hết 16 gói lạc trong 1 tiếng."

- "Được rồi, tôi nhận cậu."

Vượt qua 200 ứng viên, Trần Hồ Hùng trở thành nhân viên kinh doanh cho nhà máy. Hiểu rõ đây là cơ hội duy nhất để phấn đấu, người đàn ông sinh năm 1970 này dồn hết tâm trí vào công việc.

Ông có mặt ở nhà máy lúc 5h sáng và ra về khi đồng hồ điểm 10h tối. Tuy học không giỏi nhưng Trần Hồ Hùng rất hiểu tâm lý khách hàng, chỉ cần họ gọi điện là ông sẽ đến chốt đơn trong vòng một nốt nhạc.

Trong quá trình làm nhân viên kinh doanh, Trần Hồ Hùng nhận thấy văn phòng phẩm là một ngành tương đối ổn định và có tệp khách hàng rộng lớn. Ông quyết định dùng tiền kiếm được để mở Nhà sách Tân Hoa.

Cảm động trước sự cố gắng của Trần Hồ Hùng, một bà lão đã mua giúp ông 20 cây bút bi và 50 cục tẩy làm quà năm mới cho cháu trai mình. Việc này đã khích lệ sự tự tin của vị doanh nhân này. Kể từ đó, doanh số bán hàng của ông cũng tăng cao hơn.

Trần Hồ Hùng nhận định, so với hoa tươi hay thực phẩm, văn phòng phẩm không thể bị biến chất hay hết hạn nên không sợ ế hàng. Vào thời điểm đó, nhà sách của ông vẫn chủ yếu kinh doanh sách và đồ dùng dạy học, văn phòng phẩm chủ yếu được sản xuất trong nước. 

Mùa hè năm 1999, Trần Hồ Hùng cùng các anh chị em trong gia đình thuê 6 mẫu đất ở Thượng Hải để xây dựng nhà máy văn phòng phẩm M&G. Nguồn ảnh: Internet
Mùa hè năm 1999, Trần Hồ Hùng cùng các anh chị em trong gia đình thuê 6 mẫu đất ở Thượng Hải để xây dựng nhà máy văn phòng phẩm M&G. Nguồn ảnh: Internet.

Để tạo sự khác biệt, Trần Hồ Hùng nhận làm đại lý cho các sản phẩm ngoại nhập từ Hàn Quốc và Nhật Bản, sau đó phân phối cho các Nhà sách Tân Hoa khác trên toàn quốc. Từ đó, ông kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ đầu tiên.

Trong 8 năm bán hàng, Trần Hồ Hùng luôn dẫn đầu về doanh số, đóng góp tới 40% doanh thu của nhà máy.

Khởi nghiệp thành công nhờ cây bút bi giá 2 NDT

Năm 1997, khủng hoảng tài chính toàn châu Á đã khiến nhiều nhà máy sản xuất văn phòng phẩm phải lần lượt đóng cửa. Biến cố khiến Trần Hồ Hùng trăn trở: Nếu vẫn phụ thuộc vào chuỗi cung cứng, ông sẽ thất bại lần nữa. Vận mệnh phải do mình nắm giữ, lần này ông sẽ tự sản xuất và tự phân phối sản phẩm.

Sau khi cân nhắc kỹ càng, Trần Hồ Hùng quyết định thành lập một nhà máy sản xuất bút ở Thượng Hải, lấy tên là M&G.

Mùa hè năm 1999, Trần Hồ Hùng cùng các anh chị em trong gia đình thuê 6 mẫu đất ở Thượng Hải để xây dựng nhà máy văn phòng phẩm M&G.

Vào thời điểm đó, việc sản xuất một chiếc không hề đơn giản, cần tới hơn 40 quy trình. Trần Hồ Hùng tuy có nhiều năm kinh nghiệm bán hàng, nhưng đối với việc sản xuất, ông chỉ là kẻ ngoại đạo. Vì vậy, ông đã thuê một số chuyên gia từ Nhà máy Bút Thượng Hải, vừa học hỏi từ họ, vừa để họ làm việc cho mình.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên lô bút 10.000 cái trị giá 300.000 NDT của M&G gặp sự cố đầu bút bị lỏng. Ngay lập tức, Trần Hồ Hùng cho tiêu hủy lô hàng, đồng thời hoàn tiền cho đối tác. Ông và các chuyên gia đã làm việc liên tục suốt 3 ngày 3 đêm để giải quyết lỗi kỹ thuật và giao sản phẩm đúng tiến độ.

Vì muốn nâng cao trình độ kỹ thuật, Trần Hồ Hùng tìm đủ mọi cách để chiêu mộ một kỹ sư đã nghỉ hưu có chuyên môn cao. Ông thậm chí còn tới tận nhà của vị chuyên gia để làm giúp việc trong vòng nửa tháng, đảm nhiệm việc nấu nướng, đọc báo cho vợ kỹ sư, giúp em trai kỹ sư làm bài tập về nhà.

Rốt cuộc, cảm động trước tấm lòng của Trần Hồ Hùng, vị kỹ sư đó đã nhận lời giúp ông.

Cái tâm của doanh nhân này còn được thể hiện trong cách ông đối xử với công nhân của mình.

Nhà máy làm việc theo ca, trong đó những người làm ca đêm dễ bị buồn ngủ vào khoảng 4-5h sáng, rất dễ gây tai nạn mất an toàn. Vì vậy, Trần Hồ Hùng rất hay đi kiểm tra nhà máy vào đêm khuya. Nếu thấy công nhân ngủ gật, ông sẽ không phê bình mà chỉ yêu cầu người đó đi rửa mặt bằng nước lạnh, hoặc đề nghị quản lý thay bằng người khác tỉnh táo hơn.

Được ông chủ quan tâm sát sao, công nhận lại càng nỗ lực làm việc để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đối với từng loại bút, Trần Hồ Hùng lại có chiến lược riêng. Khi làm bút cho dân văn phòng, ông đặt chất lượng của ngòi bút lên hàng đầu. Khi làm bút cho học sinh, ông lại coi thiết kế sáng tạo là điều quan trọng nhất. Nhờ đó, đối tượng nào cũng yêu thích sản phẩm của M&G. 

Nguồn ảnh: Internet
Tập thể công ty M&G. Nguồn ảnh: Internet.

Về giá cả, Trần Hồ Hùng nhận thấy: giá bút nhập khẩu đang ở mức 8-20 NDT, bút dưới 1 NDT thì lại là loại không ra gì, có hại cho thương hiệu. Ông cũng từng thử đặt giá bằng 1/3 các hãng cùng ngành, nhưng không thể duy trì nổi chiến lược này sau 2 năm. Vì thế, ông quyết định chọn mức giá ở giữa, khoảng 2-3 NDT để thu hút khác hàng.

Bài toán về kỹ thuật, thiết kế và giá cả đã giải quyết xong, vậy làm thế nào để xây dựng thêm các cửa hàng bán lẻ? Trần Hồ Hùng đã nảy ra một sáng kiến thú vị.

Công ty M&G sẽ giúp các đại lý văn phòng phẩm cải tạo và nâng cấp cửa hàng, đồng thời cung cấp cho họ khóa đào tạo kinh doanh miễn phí. Đổi lại, chủ cửa hàng sẽ treo một tấm biển có logo của M&G trên biển hiệu của họ mà không thu thêm khoản phí nào.

Gặp chuyện tốt như vậy, các chủ cửa hàng đương nhiên sẽ vui sướng mà đồng ý. Chỉ trong vài năm, logo của M&G xuất hiện trên khắp mọi nẻo đường, ngõ hẻm trong thành phố, với hơn 85.000 cửa hàng.

Đối với thế hệ học sinh 9x và 10x ở Trung Quốc, không ai là không từng dùng văn phòng phẩm M&G. Doanh nghiệp này có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 40%, được coi là "phép màu M&G" trong ngành văn phòng phẩm

Sau 20 năm phát triển, M&G hiện là nhà sản xuất bút gel lớn nhất châu Á, với sản lượng khoảng 5 tỷ chiếc/năm. Cổ phiếu của công ty cũng tăng gấp đôi mỗi năm, kể từ khi niêm yết vào năm 2015.

Bản thân Trần Hồ Hùng cũng trở thành tỷ phú với khối tài sản trị giá 21 tỷ NDT (khoảng 3,3 tỷ USD). Năm 2020, ông lọt vào top 200 những người giàu có nhất Trung Quốc.

Khi được hỏi về bí quyết thành công, Trần Hồ Hùng cho biết: "M&G chỉ tập trung kinh doanh một thứ trong vòng 30 năm. Đào một cái hố, chỉ cần rộng 1 m, nhưng phải sâu đến 1.000 m".

Nước chảy đá mòn, tích lũy từng ngày mới mong có thành công. Cùng với tài năng, sự kiên trì và chăm chỉ là bước đệm cho thành công của một con người.

Suốt nhiều năm liền, Trần Hồ Hùng chỉ đặt mục tiêu vào ngành văn phòng phẩm, rất thận trong khi chuyển đổi và phát triển đa dạng hơn. Ông tin rằng phải làm việc chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực hiện tại thì ta mới có thể nắm bắt được thành công.

Có thể thấy, một doanh nghiệp nhỏ cũng có thể kiếm được nhiều tiền. Thà làm đầu gà chứ nhất định không làm đuôi phượng. Thay vì chen chúc nhau trong những ngành phổ biến, tốt hơn là nên hạ mình trong thị trường ngách, theo đuổi những việc nhỏ cũng có thể đem lại thành tựu lớn!

Nếu không đủ năng lực để đứng đầu ngành, lại tham lam muốn làm mỗi thứ một ít, bạn sẽ mãi là một kẻ cơ hội, thậm chí đôi khi còn chẳng nắm bắt được cơ hội mà còn đánh mất cơ hội hiện có.

"Tất cả những hình mẫu thành công trên thế giới không phải ngẫu nhiên mà có, cũng không có đường tắt để đi. Đây cũng là kinh nghiệm của M&G", Trần Hồ Hùng chia sẻ.

TH