Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Khởi nghiệp từ 10.000 USD năm 1992, sau 22 năm lên tới 1,6 tỷ USD – con số mà chỉ 1.092 người trên thế giới với tới được

15:32 16/03/2021

Từ một cử nhân ngành kinh tế địa chất, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, doanh nhân Phạm Nhật Vượng hiện nay đã trở thành một trong số những người giàu nhất trên thế giới.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. (Nguồn: Internet)

Tuổi thơ bao cấp đầy khó khăn và hành trình khởi nghiệp đầy gian truân

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng sinh tại Hà Nội vào năm 1968, những năm chiến tranh xảy ra ác liệt ở Việt Nam. Cha ông làm việc trong không quân Việt Nam, còn mẹ ông mở quán trà bán ở vỉa hè. Khi hòa bình lập lại, kinh tế cả nước khó khăn, gia đình ông nhiều lúc phụ thuộc hoàn toàn vào khoản thu ít ỏi từ quán trà của người mẹ. “Khi đó, giấc mơ của tôi không hề lớn, tôi chỉ muốn giúp đỡ gia đình thoát nghèo”, ông nhớ lại.

Những năm 1980, thông qua mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước Đông Âu - đặc biệt là Liên Xô (cũ), Việt Nam đã gửi rất nhiều học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc nhất sang học tập, về kinh tế - tài chính đến khoa học - kỹ thuật. Thời kỳ đó, du học Liên Xô là niềm mơ ước thoát nghèo của nhiều thanh niên Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vượng cũng thuộc lớp thanh niên ưu tú khi đó. Năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng giành suất học bổng du học tại Học viện địa chất Moscow, chuyên ngành kinh tế và địa chất.

Nhớ lại thời kỳ này, chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ, ông Vượng nói: "Tôi chỉ là một người bình thường thôi. Tôi đi học ở Liên Xô, rồi ở lại làm việc. Bắt đầu khởi nghiệp thực ra là từ năm thứ 3 đại học. Ban đầu, ông thuê một phòng trong DOM 5 để bán hàng, sau đó mở nhà hàng, rồi nhập hàng từ Việt Nam để bán, tiếp đó buôn áo gió (áo ấm mùa đông). Giai đoạn đầu, việc kinh doanh cũng kiếm được nhiều tiền nhưng sau đó, thị trường thay đổi, Phạm Nhật Vượng vì thiếu kinh nghiệm nên phá sản. 

Vị chủ tịch nhà "Vin" bồi hồi nhớ lại một thời khó khăn, buôn bán thua lỗ: "Ở Matxcova, tại Dom 5, mình cũng đi thuê một cái phòng để bán hàng nhưng buôn bán kém, cứ càng buôn càng lỗ. Sau đó mới mở cái nhà hàng tại Dom ấy luôn. Thời gian đầu, mọi chuyện tưởng như rất suôn sẻ, làm ăn có lãi lớn. Nhưng sau đó thời kỳ khủng hoảng bắt đầu: "Đến đoạn sau thì nhập hàng từ Việt Nam sang. Hồi ấy buôn áo gió là đỉnh điểm, ban đầu kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng cuối cùng cũng lại mất sạch. Phá sản luôn ấy. Vì khi thị trường đi xuống mình phản ứng không đúng và không kịp".

Do chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với thị trường, ông Vượng mất sạch vốn liếng tích luỹ.

"Sinh viên đã có kinh nghiệm gì đâu nên mới bị phá sản. Khi rời Matxcova đi xuống Kharkov vẫn còn nợ 40.000 USD", ông Vượng kể.

Sau khi kết hôn với người bạn gái cùng học, Phạm Nhật Vượng quyết định ở lại nước ngoài, với mong muốn tranh thủ những cơ hội mà thời kỳ hậu Liên Xô mang lại. Cặp vợ chồng trẻ tìm đường sang Ukraine. Với kinh nghiệm học được từ quán trà ngày xưa của mẹ, ông vay mượn bạn bè và người thân được 10.000 USD và mở một nhà hàng Việt Nam tại quốc gia Đông Âu này.

Nhận thấy nhu cầu tốt, ông cũng bắt đầu sản xuất mì ăn liền trên một dây chuyền nhập từ Việt Nam. Ý tưởng về một nhà hàng mì ăn liền khi đó là hoàn toàn mới mẻ với người Ukraine, và được khách hàng hưởng ứng tích cực. “Người Ukraine khi đó rất nghèo và đói khổ”, ông Vượng nhớ lại.

Ngày 8 tháng 8 năm 1993,  doanh nhân Phạm Nhật Vượng bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền với thương hiệu “Mivina” («Мивина»).  Đến năm 1995, thương hiệu mỳ “Mivina” bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ở Ukraine, trở thành tên thương hiệu cho hầu hết các thực phẩm ăn liền ở đây.

Năm 1999, ông tung ra  thị trường sản phẩm rau thơm khô đóng gói và năm 2000 tung ra sản phẩm bột khoai tây. Năm 2007, doanh nghiệp của ông bắt đầu sản xuất thức ăn nhanh và các loại súp đóng gói. 

(Ảnh: Internet)

Tháng 9 năm 2009, Tập đoàn Technocom đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraina) về Hà Nội (Việt Nam).

Năm 2010, ông bán lại Công ty trách nhiệm hữu hạn Technocom (công ty sản xuất đồ ăn nhanh) cho công ty Nestle S.A của Thụy Sĩ với giá 150 triệu USD. 

Tạo nên sự phát triển của phồn thịnh Vingroup

Trong nhiều năm, khi kiếm được tiền nhờ công ty mì gói ở Ukraine, ông đã chuyển tiền về nước để đầu tư vào các dự án với mong muốn nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế đang phát triển nhanh ở quê nhà.

Chiến lược của ông tại Việt Nam bắt đầu khá đúng lúc. Vào cuối thập niên 1990, Phạm Nhật Vượng có chuyến đi tới thành phố biển Nha Trang. Ở thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh. Việt Nam đã tránh được những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, bình thường hóa quan hệ thương mại với Mỹ, và tái khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Từ năm 2000-2006, GDP của Việt Nam tăng trưởng ít nhất 6% mỗi năm.

Bằng việc xây dựng Vinpearl, ông Vượng đã biến Hòn Tre trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp và Vinpearl trở thành một trong những sản phẩm hàng đầu của Vingroup.

Hiện tại, Phạm Nhật Vượng vừa là sáng lập viên, vừa là thành viên Hội đồng quản trị Vinpearl Land (VPL) và Công ty Cổ phần Vincom (VIC). 

Tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của Vingroup đã khiến giới bất động sản trong nước chao đảo. Những bước tiến ngoạn mục của Vingroup khiến các nhà đầu tư bất động sản quốc tế đặt tập đoàn này lên ngang hàng với những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong khu vực.

Khởi đầu bằng hàng loạt các dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Hòn Tre, Nha Trang, đến nay, Vingroup đã tạo ra được 4 thương hiệu và dòng sản phẩm chính cho mình. 

Đầu tiên là Vinpearl – hệ thống khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp bậc nhất trên toàn quốc. Có thể nói, đây là hạng mục mang lại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ cho Tập đoàn Vingroup. Đồng thời, từ việc khai thác Vinpearl, các nhà quản trị chiến lược đã nhìn ra được những khoản thu siêu lợi nhuận.

Tiếp theo là Vincom – thương hiệu phát triển các dự án bất động sản phức hợp bao gồm: nhà ở, văn phòng, khu mua sắm giải trí. Hạng mục này cũng đem lại những nguồn thu đáng kể cho Vingroup. 

Hai thương hiệu còn lại là Vinmec và Vinschool. Đây là hai dòng sản phẩm nằm trong lĩnh vực y tế và giáo dục, mang nhiều khát vọng xã hội của ông chủ Tập đoàn Vingroup hơn là lợi nhuận.

Cuộc sống giản dị của tỷ phú lừng danh

Danh tiếng của ông gia tăng cùng với sự giàu có. Mặc dù đã sắm sửa một số tài sản xứng tầm với một tỷ phú, bao gồm một dinh thự nằm giữa những ngọn đồi nhân tạo ở Vincom Village, một xe Bentley, và một quỹ từ thiện riêng, Phạm Nhật Vượng vẫn giữ lối sống bình dị, thích xem phim võ thuật hơn là rong ruổi trên chiếc xe sang hay đam mê những kỳ nghỉ ở khu resort riêng tại Nha Trang.

Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ ai khác làm giàu từ Đông Âu, ông đã phải đối mặt với nhiều tin đồn. Phạm Nhật Vượng đơn giản chỉ phủ nhận những tin đồn đó. “Theo tin đồn, tôi đã chết ít nhất 4 lần vào năm ngoái. Trong câu chuyện thứ nhất, những sát thủ từ Moscow đã bắn hạ tôi. Ở câu chuyện thứ hai, tôi sang Moscow và bị mafia Nga bắn chết. Rồi câu chuyện thứ ba, tôi bị bắn ở Ukraine. Năm ngoái, tôi chẳng đến Ukraine hay Nga. Còn câu chuyện gần đây nhất, tôi bị chết vì ung thư. Tôi khỏe thế này mà họ bảo tôi bị ung thư”, ông kể với Forbes.

Bất chấp những tin đồn, ông Vượng vẫn đang tiến bước, tung ra những tòa tháp văn phòng, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, các trung tâm mua sắm… với tốc độ chóng mặt. Vingroup hiện có một danh mục bao gồm 31 dự án bất động sản, trong đó có 12 dự án đã hoàn thành, 3 còn đang dang dở, và số còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị.

“Vingroup có một đẳng cấp riêng. Họ đang xây dựng những dự án lớn nhất ở Việt Nam. Họ đã liên tục tìm kiếm những ý tưởng mới và nhân tài trong một tình thế rất khó khăn. Hầu hết mọi người đều dừng lại trong bối cảnh thị trường như hiện nay, nhưng Vingroup thì không”, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, nhận xét.

Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp của doanh nhân Phạm Nhật Vượng có vẻ như là thảm đỏ trải đầy hoa hồng. Nhưng ít ai biết dù hoạt động kinh doanh sôi nổi nhưng doanh nhân Phạm Nhật Vượng lại là một người rất “kín tính”.

Có một tỷ phú nào trong Lễ Khánh thành Trung tâm thương mại của mình lại chỉ lặng lẽ ngồi nhìn buổi lễ ở hàng ghế đầu, không uống champagne, cắt băng khánh thành hay đọc diễn văn. Ông chỉ mỉm cười “Tôi thích tự mình cảm nhận hạnh phúc”. Chẳng vì thế mà con người điềm đạm ấy cũng chẳng bao giờ “kể khổ” - rằng mình đã khó khăn thế nào khi lập nghiệp.

Trong ấn phẩm kỷ niệm 100 năm phát hành Tạp chí Forbes đăng tải 3 lời khuyên của tỷ phú Phạm Nhật Vượng về đam mê, sứ mệnh của bản thân cũng như bài học giúp người khác thành công.

Thời gian: Không có ai có quá nhiều thời gian trên đời này cả, ta phải làm sao để sau này không phải hối hận vì đã lãng phí nó. Chưa kể, công việc với tôi là lẽ sống, là niềm vui, là đam mê và nhiều khi làm việc cũng là giải trí.

Đầu tư vào ngành ô tô: Tôi có mong muốn cháy bỏng là xây dựng được một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp và nổi tiếng trên thế giới, giúp con cháu sau này có thể tự hào về đất nước, về dân tộc của mình và qua đó truyền cảm hứng cho các thệ hệ trẻ. Vingroup sau một thời gian dài dấn thân, miệt mài phấn đấu đã có được những điều kiện ban đầu để bắt tay vào việc này. Hơn thế nữa, hiện nay tất cả các thành viên của Vingroup đều thể hiện quyết tâm và mong muốn được đóng góp toàn bộ trí lực để thực hiện thành công sứ mệnh này.

Bài học quan trọng nhất: Nếu ta làm việc tận tâm, quyết tâm và hướng đến sự hài hòa lợi ích chung của bản thân và xã hội thì nhất định sẽ thành công...

Tinh thần khởi nghệp còn mãi

"Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề.

Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời", là lời bộc bạch về mục tiêu cuộc đời trên báo Tuổi trẻ cách đây 2 năm của vị tỷ phú họ Phạm.

Với trăn trở đó, ở tuổi 50, ông Vượng gây bất ngờ với công chúng khi quyết định dồn lực đầu tư vào 2 lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.

Đây là 2 lĩnh vực không hề liên quan đến nền tảng kinh doanh chủ đạo của Vingroup trước đó (bất động sản và thương mại dịch vụ), được đánh giá là cực kỳ "khó làm" vì rào cản gia nhập quá lớn, đầu tư lớn cả về tài chính - công nghệ - nhân sự - chuỗi cung ứng, chưa kể những đại gia hiện hữu trong lĩnh vực này đều có thâm niên kỳ cựu và thương hiệu mạnh.

"Tôi có mong muốn cháy bỏng là xây dựng được một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp và nổi tiếng trên thế giới, giúp con cháu sau này có thể tự hào về đất nước, về dân tộc của mình và qua đó truyền cảm hứng cho các thệ hệ trẻ. Vingroup sau một thời gian dài dấn thân, miệt mài phấn đấu đã có được những điều kiện ban đầu để bắt tay vào việc này.

Hơn thế nữa, hiện nay tất cả các thành viên của Vingroup đều thể hiện quyết tâm và mong muốn được đóng góp toàn bộ trí lực để thực hiện thành công sứ mệnh này", Tạp chí Forbes dẫn lời ông chủ VinFast.

Trái ngược với những nghi ngại ban đầu, thực tế diễn ra 3 năm qua đã cho thấy bản lĩnh đáng gờm và tăng tốc ngoạn mục của hãng xe Việt: Ra mắt nhà máy ô tô hiện đại, với dây chuyền sản xuất robot hoàn toàn tự động trong vỏn vẹn 21 tháng kể từ ngày đầu khởi công dự án (2/9/2017 tại KCN Đình Vũ - Cát Hải - Hải Phòng); Mua lại hãng xe GM Việt Nam; Thành lập Viện Công nghệ Ô tô tại Úc; Công bố kế hoạch sản xuất xe ô tô điện và dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vào năm 2021; Lên kế hoạch mở nhà máy tại Mỹ, sau khi thành lập văn phòng nghiên cứu với 50 thành viên tại San Francisco để chuẩn bị cho việc bán ô tô tại California vào năm 2022...

Giờ đây, ông Vượng có thể tự hào khi hằng ngày chứng kiến xe VinFast đã chạy khắp các con phố ở đô thị. Dòng xe "quốc dân" như Fadil thậm chí trở thành dòng bán chạy nhất tháng 2 vừa qua với doanh số 1.090 xe, bỏ xa "vua doanh số" Toyota Vios.

Trong khuôn khổ một bài viết, khó có thể kể hết các dự án mới ra đời liên tục của Vingroup trong những năm qua. Tựu trung lại có thể hình dung định hướng của Vingroup là trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại Dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Nói rõ hơn về định hướng của Tập đoàn, ông Vượng từng lí giải: "Chuyển hướng sang công nghệ không phải là buông bỏ những thứ khác...

TH