Tỷ phú công nghệ Châu Á Frank Wang: Gây dựng đế chế tỷ đô từ đam mê vật thể bay ngày bé

14:52 12/07/2021

Frank Wang là một tỷ phú doanh nhân, kỹ sư người Trung Quốc, đồng thời là người sáng lập và CEO của công ty công nghệ DJI có trụ sở tại Thâm Quyến, nhà sản xuất máy bay không người lái thương mại lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 12/2020, Frank có tài sản ròng 4,8 tỷ đô la Mỹ. Năm 2017, Frank trở thành tỷ phú công nghệ trẻ nhất châu Á.

Sáng lập ra DJI 11 tại ký túc xá

Wang Tao, còn được gọi là Frank Wang sinh năm 1980, Frank lớn lên tại Hàng Châu, cũng từng là nơi đặt trụ sở của Alibaba. Mẹ của Frank là một giáo viên còn bố Frank là kỹ sư, truyền cảm hứng cho ông về những thiết bị kỹ thuật từ khi còn nhỏ.

Frank từng dành hết thời gian rảnh của mình để đọc về máy bay và luôn mơ ước về một thiết bị của riêng mình, có thể di chuyển theo anh kèm một chiếc camera. Frank được tặng một chiếc máy bay điều khiển từ xa vào năm 16 tuổi và làm hỏng ngay sau đó. 

Frank Wang. Nguồn: Internet
Frank Wang. Nguồn: Internet.

Học đại học chuyên ngành tâm lý nhưng anh lại dành hết thời gian để nghiên cứu về các thiết bị bay. Anh chế tạo, phát triển bản mẫu những chiếc máy bay không người lái mini.

Với thành tích học tập yếu kém, Frank không đủ tiêu chuẩn đi du học Mỹ như mong muốn, đành học tại Trung Quốc và sau đó là Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong năm 2003. Tại đây, ông đã được một giáo sư toán chú ý sau khi trình bày một dự án ấn tượng: Hệ thống điều khiển chuyến bay trực thăng do chính mình chế tạo. 

Điều này giúp Frank giành được một suất vào chương trình sau đại học của trường. Năm 2005, ở tuổi 25, ông cùng nhóm bạn đại học của mình giành giải ba tại ABU Robocon. Phần thưởng của ông là 2.300 USD để phục vụ việc nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái (drone). Và đây chính là khởi đầu cho hành trình dài và thành công của Frank sau này.

Frank tiếp tục chế tạo các nguyên mẫu, bộ điều khiển và các bộ phận khác cho đến năm 2006, khi ông thuê 2 người bạn làm việc cho mình. Họ làm việc trong một căn hộ 3 phòng ngủ và cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, do Frank thiếu tầm nhìn, nhân viên liên tục đến rồi rời đi. Một nguyên nhân khác là vì ông có tính cách mạnh mẽ, cầu toàn – không phù hợp với nhiều người.

Dù vậy, công ty mang tên DJI của ông vẫn tiếp tục phát triển nhờ khoản đầu tư trị giá 90.000 USD của một người bạn của gia đình anh. Năm 2010, Frank thuê một người bạn học cũ để điều hành hoạt động marketing của công ty. Người bạn đó là Swift Xie Jia và ông cũng nhập cuộc bằng cách bán căn hộ của mình để mua 14% cổ phần của công ty.

Dưới sự giám sát của Swift, công ty máy bay không người lái bắt đầu phục vụ nhiều hơn cho người có sở thích cá nhân hơn là những người dùng để nghiên cứu. Họ cũng mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc. Năm 2011, Frank gặp được người giúp công ty của ông lên một tầm cao mới - Colin Guinn.

Frank gặp Colin tại một triển lãm thương mại. Colin điều hành một startup nhỏ về quay phim trên không và họ bắt đầu trò chuyện về những thách thức để có được những thước phim đẹp từ máy bay không người lái.

Vấn đề đáng quan tâm nhất là máy ảnh luôn quá rung. Điều này thúc đẩy Frank thực hiện nhiều nghiên cứu hơn. Đến năm 2011, họ đã giảm chi phí của một bộ điều khiển bay từ 2.000 USD xuống còn 400 USD với khả năng quay video ổn định. 

Ảnh: Getty.
Ảnh: Getty.

Đến cuối năm 2012, anh Frank WANG đã đưa ra một thiết kế thành công cho chiếc drone với bốn cánh quạt bốn cánh lắp sẵn, sẵn sàng bay đầu tiên. Sau khi ra mắt vào năm 2013, mô hình này nhanh chóng trở thành sản phẩm nổi tiếng trên thị trường và là sản phẩm bán chạy nhất của công ty vì tính đơn giản và dễ sử dụng, dẫn đến thành công đầu tiên trong kinh doanh cho anh và DJI.

Thành công thương mại

Năm 2013, DJI công bố chiếc máy bay không người lái đầu tiên trên thị trường, mang tên Phantom. Colin thành lập DJI ở Bắc Mỹ và được trao 48% cổ phần. Nhờ sự giúp đỡ của ông, Phantom ra mắt thuận lợi tại thị trường Mỹ. Phần còn lại là lịch sử.

Phantom trở thành một thành công thương mại trên toàn thế giới dù có rất ít hoạt động marketing. Đây là chiếc drone có giá phải chăng, mạnh mẽ và có thể quay video ổn định.

Trong năm ra mắt, DJI thu về 130 triệu USD, phần lớn nhờ thành công của Phantom. Nhưng thành công này đã dẫn đến xung đột giữa Colin và Frank. Cuối cùng, Colin bị đuổi khỏi công ty sau khi nhận được một khoản bồi thường trị giá nhiều triệu USD.

Doanh số bán hàng tiếp tục tăng và vào năm 2015. "Thừa thắng xông lên", DJI ra mắt Phantom 3, sản phẩm tốt hơn mẫu trước đó. Cùng năm này, công ty huy động được 75 triệu USD tiền đầu tư, qua đó nâng mức định giá lên 8 tỷ USD.

Năm 2017, Frank trở thành tỷ phú công nghệ trẻ nhất châu Á. Thời điểm đó, công ty của ông đạt doanh thu 2,83 tỷ USD. Ông cũng trở thành tỷ phú nhờ kinh doanh drone đầu tiên trong lịch sử. Thời điểm hiện tại, DJI có hơn 14.000 nhân viên và nắm giữ 77% thị phần drone của Mỹ.

Ngày nay, DJI thống trị thị trường drone (thiết bị bay không người lái) chủ yếu ở nhóm sản phẩm giá trên 1.000 USD, với đối tượng khách hàng là những tín đồ drone và nhà làm phim chuyên nghiệp. Họ không thực sự tấn công mạnh mẽ nhóm sản phẩm giá 500 USD, nơi phải cạnh tranh với hàng trăm công ty sản xuất những chiếc drone dạng “đồ chơi”. Nhiều fan hâm mộ gọi DJI là “Apple trong ngành sản xuất drone”, bởi họ chiếm đến 70% thị phần drone tiêu dùng.

Tuy là người thành công nhất trong lĩnh vực drone, Frank nói rằng DJI còn một chặng đường dài để đạt đến mức độ hoàn hảo mà anh muốn. Mọi sản phẩm đều có sai sót, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Với các dòng sản phẩm mới như Mavic, công ty dự định sẽ tiếp tục cải tiến và khắc phục những trục trặc trước đó. Là CEO, Frank luôn ưu tiên việc thực hiện kế hoạch một cách hoàn hảo hơn là khía cạnh kinh doanh và có lẽ chính sự tập trung tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, giá phải chăng đã giúp anh có được thành công như ngày nay.

 TH