Tỷ lệ tận dụng EVFTA để xuất khẩu sang EU mới đạt 20%

14:08 11/12/2022

Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa cho rằng, con số 20% tỉ lệ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp C/O mẫu EUR.1 thể hiện rằng EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng.

Tại tọa đàm “Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA”, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, đây là một con số khá tích cực.

Theo đó, bà Hiền cho rằng, hàng xuất khẩu đi EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của Châu Âu, ví dụ như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp...Những mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản... 

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu.

Các con số cụ thể liên quan đến các mặt hàng, các thị trường có thể thấy rất rõ nét, như: C/O xuất khẩu đi thị trường Đức đã được cấp 3,2 tỷ USD trong hai năm đầu thực hiện EVFTA, cấp đi Bỉ là 3,5 tỷ.

Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa cho rằng, con số 20% tỉ lệ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp C/O mẫu EUR.1 thể hiện rằng EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng.

Tuy nhiên, theo bà Hiền, con số 20% kim ngạch hàng hóa được cấp C/O mẫu EUR.1 không có nghĩa là 80% kim ngạch còn lại đang phải chịu thuế cao. Giải thích rõ hơn điều này, đại diện Cục xuất nhập khẩu cho rằng có những dòng thuế trong WTO đã bằng 0%, không cần phải có giấy chứng nhận xuất xứ. 

Tỷ lệ tận dụng EVFTA để xuất khẩu sang EU mới đạt 20%
Tỷ lệ tận dụng EVFTA để xuất khẩu sang EU mới đạt 20%.

Mặt khác, hàng xuất khẩu đi EU có thể có một lựa chọn khác đó là hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tự chứng nhận xuất xứ cho những lô hàng mà có kim ngạch trị giá từ 6.000 euro trở xuống.

Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa nhấn mạnh, con số 20% chỉ là con số chung về tỷ lệ kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA và tỷ lệ này sẽ khác nhau rất nhiều ở từng thị trường cụ thể hoặc từng mặt hàng cụ thể.

Hiện Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này và trong đó những chế tài xử phạt cũng đang rất được chú trọng.

Đồng thời, Bộ đang nỗ lực và tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan như Tổng cục Hải quan, các Hiệp hội ngành hàng tập huấn, đào tạo kịp thời, vừa uốn nắn và vừa hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng được đúng những quy định khắt khe của EU.

Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu để trong trường hợp nếu như có đề nghị xác minh xuất xứ thì Bộ Công Thương sẽ đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp chứng minh hàng hóa có xuất xứ trong trường hợp đúng là hàng hóa đó đáp ứng theo quy định của EVFTA.

Ngược lại, trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng xuất xứ thì Bộ Công Thương sẽ cùng với EU tìm hiểu và có những biện pháp kịp thời nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

P.V (t/h)