Tự hào với Chiến khu Du kích Ngọc Trạo

22:01 18/08/2021

Từ bao đời nay, Chiến khu Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của người dân Thạch Thành nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Di tích lịch sử cách mạng này đã, đang và sẽ là một điểm hẹn văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách mỗi khi đến với Thạch Thành. Năm nay, Chiến khu khu Ngọc Trạo kỷ niệm 80 năm ngày thành lập (19/9/1941-19/9/2021).

Chiến khu du kích Ngọc Trạo

Chiến khu du kích Ngọc Trạo.

Thạch Thành là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP- Thanh Hóa khoảng 38km, diện tích tự nhiên 55.921 ha, dân số 145497 người. Là khu vực chuyển tiếp từ núi cao qua miền Trung du kéo dài xuống Đồng bằng, được hình thành bởi các lòng máng lớn liền kề nhau xuôi theo hướng Bắc -Tây Bắc và thấp dần về phía Nam; nên Thạch Thành có những thảm động vật phong phú, có những dãy núi, thác nước đẹp như: Thác Mây, Thác Voi , Thác Đẹn, suối nước nóng Vó Ấm (làng Luông)…                       

Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo thuộc địa bàn xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, cách thị trấn Kim Tân 15km. Đây là vùng đất đồi núi, cách xa tỉnh lỵ, nhưng lại tiếp giáp với nhiều huyện như Vĩnh Lộc, Hà Trung (Thanh Hóa), tỉnh Ninh Bình, từ đây có thể nhanh chóng liên lạc được với vùng khác trong, ngoài tỉnh. Giữa năm 1941, trong lúc phong trào cách mạng ở các huyện miền xuôi như Thiệu Hóa, Thọ Xuân đang bị kẻ thù uy hiếp thì vùng đất Thạch Thành, Vĩnh Lộc vẫn là nơi an toàn để tiếp tục phát triển phong trào. Cuối tháng 7 năm 1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thành lập Chiến khu Ngọc Trạo để làm căn cứ cách mạng hưởng ứng Bắc Sơn - Nam Kỳ khởi nghĩa. Đêm 19/9/1941 tại Hang Treo, Ban lãnh đạo Chiến khu đã quyết định thành lập đội du kích vũ trang đầu tiên của chiến khu Ngọc Trạo gồm 21 chiến sỹ ưu tú.

Dưới cờ đỏ sao vàng, toàn đội đã tuyên thệ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ đây, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã có lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang sau này.

Lực lượng của Chiến khu du kích Ngọc Trạo phát triển nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Từ chỗ chỉ có 21 đội viên khi mới thành lập, đến cuối tháng 9/1941, số đội viên và cán bộ đã tăng lên 80 chiến sỹ. Trong điều kiện hết sức khó  khăn, thiếu thốn về mọi mặt nhưng tất cả đội viên trong đội tuyên thệ sẵn sàng hy sinh, chiến đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mỗi chiến sĩ đều được trang bị một con dao nhọn, cán bộ được thêm một khẩu súng kíp. Việc học tập chính trị, văn hóa và huấn luyện quân sự đều được tiến hành trong không khí khẩn trương, sôi nổi, kỷ luật. Cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy sau khi đưa về hang Treo vẫn tiếp tục hoạt động.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Thạch Thành thắp hương lên tượng đài chiến thắng
Các đồng chí lãnh đạo huyện Thạch Thành thắp hương lên tượng đài chiến thắng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Đội du kích Ngọc Trạo không ngừng lớn mạnh. Hình ảnh quân dân đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua gian khó, quyết liệt đối đầu với quân giặc đến cùng được khắc họa rõ nét xuyên suốt quá trình hoạt động của chiến khu. Đó là những ngày chiến khu chuyển toàn bộ lực lượng về hoạt động tại khu vực đồi Ma Mầu để thuận tiện cho giao thông, liên lạc, tiếp tế, mở rộng địa bàn hoạt động và tránh sự do thám của giặc. Toàn bộ việc ăn uống của du kích đều do Nhân dân Ngọc Trạo đảm nhận. Hàng ngày, đội tự vệ nữ lo việc cơm nước từ nhà mang lên đồi Ma Mầu. Còn các cụ già thì lo việc luyện cám rang để làm lương khô dự trữ cho du kích. Các tự vệ nam ở Ngọc Trạo ngày đêm tuần tra canh gác trong làng, dẫn đường chuyển tài liệu, thuốc men và vũ khí cho cán bộ, chiến sĩ lên chiến khu.

Trong mỗi nếp nhà, người thì làm tên nỏ, mở lò rèn làm vũ khí cho du kích, người thì đi chợ Kim Tân mua muối, thuốc men, vải... mang lên cho đội du kích. Nhờ sự chở che, đùm bọc của quần chúng Nhân dân, chiến khu dần được hoàn chỉnh cả về cơ cấu tổ chức, nhân lực, vật lực nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài với quy mô rộng lớn. Một thời gian “đánh hơi” và lùng sục, quân địch đã lần ra dấu vết của đội du kích ở Chiến khu Ngọc Trạo. Chúng huy động binh lính và mật thám của nhiều tỉnh tập trung về Thanh Hóa để chuẩn bị một cuộc vây ráp, khủng bố lớn chưa từng thấy.

Từ đầu tháng 9-1941, địch đã tập trung lực lượng o ép nhiều vùng trong các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định. Các cuộc đánh tháo giải vây nổ ra liên tục. Ngày 7-10-1941, một trận đấu quyết liệt đã diễn ra ở Đa Ngọc (nơi tập kết của tự vệ Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định lên đường đi chiến khu). Đến ngày 16-10-1941, Chiến khu Ngọc Trạo bị phong tỏa. Vào thời điểm này, vùng Ngọc Trạo bị mưa lụt liên tiếp. Lán trại ở đồi Ma Mầu bị dột ướt. Đội du kích phải tản vào đóng tại bốn nhà sàn ở xóm đình Ngọc Trạo trong điều kiện thiếu thốn lương thực, thuốc men... Đường tiếp tế bị địch ngăn chặn. Trong khi đó, Nhân dân trên địa bàn xã Ngọc Trạo lại không thể tiếp tế lương thực, thuốc men vì cũng đang phải chịu cảnh lụt lội tàn phá. Không chịu khuất phục, đội du kích có ngày phải ăn rau quả để thay cơm. Cũng chính lúc này, tình thương yêu, đùm bọc của Nhân dân Ngọc Trạo đối với du kích lại được thể hiện một cách đẹp đẽ và cao cả hơn bao giờ hết. Mặc cho hoàn cảnh khó khăn, quân địch truy lùng ráo riết, Nhân dân xã Ngọc Trạo vẫn mưu trí, dũng cảm che chở, bảo vệ đội du kích đến cùng.

Giữa lúc ban lãnh đạo chiến khu đang có kế hoạch chuẩn bị chuyển hướng địa bàn hoạt động thì bị kẻ thù tấn công. Sáng sớm ngày 19-10-1941, quân địch đã huy động một bộ phận không nhỏ binh lính chia làm các mũi tấn công vào chiến khu. Mặc dù, tương quan lực lượng lớn, quân địch đông, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, đội du kích đã đánh lui nhiều đợt tiến công của địch. Các chiến sĩ đã đánh giáp lá cà, dùng dao, kiếm, mác quần nhau với địch, vừa xung phong vừa mềm mỏng kêu gọi quân địch quay đầu súng, trở về với Nhân dân. Dưới làn mưa đạn của giặc, chiến sĩ Cao Ngọc Oanh dũng cảm mưu trí, nhanh nhẹn dùng dao chém tên lính mang số hiệu 444 bị thương và tước luôn khẩu súng của hắn.

Trước khí thế, quyết tâm của quân và dân ta, địch hoảng sợ bắn xối xả về phía quân du kích rồi nhanh chóng rút khỏi trận địa. Ba chiến sĩ du kích Phạm Văn Hinh, Hoàng Văn Môn, Đỗ Văn Tước và một số chiến sĩ khác đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tối 19-10-1941, sau khi làm lễ truy điệu cho các chiến sĩ đã hy sinh, cất giấu tài liệu và chỉ đạo kế hoạch chống khủng bố cho Nhân dân Ngọc Trạo, ban lãnh đạo quyết định rút đội du kích về làng Cẩm Bào (thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc bây giờ) rồi phân tán nhỏ lực lượng về các vùng trong tỉnh nhằm xây dựng, củng cố, phát triển phong trào phù hợp với tình hình mới.Mặc dù ra đời và hoạt động chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo đã hoàn thành nhiệm vụ mà Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa giao. Đó là tiếng súng Bắc Sơn và Nam Kỳ khởi nghĩa, là nguồn sức mạnh cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Đồng thời cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích; kết hợp sức mạnh chính trị với sức mạnh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, chớp thời cơ tiến tới tổng khởi nghĩa góp phần làm nên  thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, mở ra một kỷ nguyên mới -kỷ nguyên độc lập  tự do cho nước nhà.

Về Ngọc Trạo hôm nay, từng gốc cây, hang đá làng quê và biết bao thế hệ người dân nơi đây vẫn say sưa kể về những năm tháng kháng chiến anh dũng, kiên cường với niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc. Phát huy truyền thống anh dũng của quê hương cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ngọc Trạo luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, gian khó phát huy tinh thần tự lực, tự cường khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh xây dựng quê hương Ngọc Trạo ngày một đổi mới. Sức sống bền bỉ của di tích càng tô thắm thêm truyền thống, lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong sự nghiệp kháng chiến cứu quốc.

Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, tháng 7/1994 Chiến khu du kích Ngọc Trạo được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc  gia.

Quang Thắng