Tư duy “chụp giật”, “tiền mất tật mang”

00:00 12/10/2020

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Không ít công ty, doanh nghiệp (DN) sản xuất thiết bị y tế, khẩu trang, xem đây là cơ hội kiếm lời. Tư duy ấy đã dẫn đến tình trạng “thả nổi khâu kiểm soát chất lượng và vàng thau lẫn lộn”…

Miếng pho-mát trong “bẫy chuột”

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra căng thẳng tại khu vực châu Âu, châu Mỹ, nhiều quốc gia phải đẩy mạnh việc nhập khẩu khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về việc xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch cho những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Việc xuất khẩu này phải đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đủ nhu cầu và dự trữ trong nước. Nhiều DN Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này để bù đắp phần nào khó khăn số đơn hàng đặt mua khẩu trang vải từ đối tác nước ngoài đã tăng lên. 

Các doanh nghiệp XKKT không đạt chuẩn, hàng hóa sẽ gặp khó khăn khi nhập khẩu và bị trả lại.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam lên đến hơn 415 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD. Khẩu trang của các doanh nghiệp Việt Nam đang được xuất đi một số thị trường lớn như Nhật Bản: gần 33 triệu chiếc; Hàn Quốc: hơn 17 triệu chiếc; Đức: 11 triệu chiếc; Mỹ: 10 triệu chiếc; Hong Kong (Trung Quốc): 4 triệu chiếc. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất hàng triệu khẩu trang sang Singapore, Ba Lan, Úc, Trung Quốc, Lào, Nam Phi... Trong đó, theo khai báo hải quan thì các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, đã có rất nhiều vụ việc và than phiền về chất lượng các lô khẩu trang có nguồn gốc từ Việt Nam chuyển đi các nước theo đơn đặt hàng. Hệ lụy sau đó là hàng triệu chiếc khẩu trang do một số DN Việt Nam sản xuất bị các nước nhập khẩu ở Mỹ, EU trả về, bất chấp bối cảnh các nước này đang thiếu khẩu trang trầm trọng…

Câu hỏi được đặt ra là tại sao những lô hàng khẩu trang này được xuất khẩu? Theo tìm hiểu của Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập, thị trường hiện nay đang có hiện tượng thu gom nguyên liệu sản xuất chỉ để xuất khẩu. Không ít đơn vị “lách” theo hướng thuê các nhà xưởng sản xuất gia công, không đảm bảo chất lượng. Số lượng hàng chục triệu chiếc khẩu trang y tế không đảm bảo bị tịch thu thời gian qua cho thấy cần có quy định siết chặt về chất lượng với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất. Việc này giúp tránh mất uy tín quốc gia, như trường hợp hàng loạt đơn hàng khẩu trang của Trung Quốc bị châu Âu trả lại. 

Hầu hết các DN đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của nước nhập khẩu, đặc biệt là quy trình xin chứng nhận CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường của châu Âu) và FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ). Bởi vậy dẫn đến tình trạng, sản phẩm khẩu trang y tế sản xuất trong nước được cơ quan quản lý ngành chấp nhận về tiêu chuẩn chất lượng nhưng chưa hẳn các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu,... chấp nhận. 

Cộng thêm yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn đề ra của các đối tác cũng như nước nhập khẩu, bao gồm việc minh bạch hóa toàn bộ thông tin sản phẩm trong hợp đồng với đối tác nhập khẩu. Đơn cử như cấu trúc thành phần vải, hàm lượng hóa chất, cam kết về khả năng kháng khuẩn của sản phẩm và kết quả kháng khuẩn... chưa kể, mỗi đợt xuất hàng đi nhà sản xuất phải cung cấp về kết quả kiểm tra đạt tiêu chí phòng chống dịch theo quy định của nước sở tại. Việc thiếu thông tin về vấn đề này dẫn đến nhiều DN thông qua các tổ chức môi giới để làm chứng nhận nhưng không đảm bảo được tính xác thực và gặp nhiều khó khăn khi xuất hàng vào 2 thị trường cực lớn này.

Có DN muốn khai thác thị trường nhưng chưa nắm rõ quy trình, thủ tục, do đó các lô hàng đều bị trả lại, đã tìm đến các đối tượng môi giới. Từ đây, môi giới khẩu trang hứa trong 02 tuần sẽ thu xếp được chứng chỉ chất lượng từ phía EU cho doanh nghiệp, thay vì mất 1-2 tháng tự làm các thủ tục. Tuy nhiên, giá của mỗi lần giao dịch lớn giao động từ 1-2 tỉ đồng. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tin tưởng chuyển tiền cho các đối tượng môi giới với hy vọng rút ngắn thời gian xuất được hàng rồi “ngã ngửa” khi chứng chỉ chất lượng nhận về là giấy tờ không hợp lệ do đơn vị chứng nhận không đủ thẩm quyền hoặc không được ủy quyền cấp xác nhận. Bởi vậy hiện nay, vấn đề xin chứng chỉ chất lượng vào thị trường châu Âu, Mỹ vẫn là trở ngại lớn, đây có thể là lý do khiến nhiều doanh nghiệp mất tiền môi giới để có được, nhưng lại rơi vào “bẫy” của những kẻ làm ăn phi pháp.

Cũng có trường hợp, một số DN Việt “lách” bằng cách dùng giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa tự do trong châu Âu và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu do các tổ chức không được châu Âu công nhận cấp để xuất khẩu khẩu trang, vật tư y tế vào thị trường này. Mặc dù, trong thời điểm dịch bệnh, châu Âu đã nới lỏng các tiêu chuẩn cho các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các điều kiện để gắn dấu CE.  

Ngoài ra, một doanh nghiệp đã xuất hàng chục triệu chiếc khẩu trang sang châu Âu cho biết, còn một cách khác để xuất khẩu, chính là làm việc trực tiếp với các đối tác nhập khẩu trang. Yêu cầu họ nhận những chiếc khẩu trang vải bình thường trên “giấy tờ” để được nhập khẩu, còn thực chất sản phẩm vẫn đạt đủ tiêu chuẩn là khẩu trang chống dịch. 

Đừng để tiền mất tật mang…

Bộ Công Thương đã bày tỏ lo ngại nhu cầu tăng đột biến khiến cho thị trường xuất khẩu các mặt hàng trên tăng trưởng nóng và có dấu hiệu không kiểm soát được chất lượng. Nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng hình ảnh, uy tín là rất lớn. 

Với những hàng hoá đã xuất sang các nước đối tác, nhưng giấy chứng nhận không hợp lệ sẽ giải quyết thế nào? Theo Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ở thị trường Châu Âu, đa số các quốc gia đều yêu cầu phải có chứng nhận chất lượng CE. Tuy nhiên, một vài quốc gia không yêu cầu, cho nước xuất khẩu tự công nhận, tự công bố chất lượng sản phẩm. Với lô khẩu trang xuất sang các nước yêu cầu chứng nhận CE nhưng chứng nhận không hợp lệ thì sản phẩm sẽ bị trả về, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Trong trường hợp này, những doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang cần liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại các nước để được giúp đỡ.

“Doanh nghiệp không nên tự xuất khẩu khi chưa tìm hiểu kỹ càng. Xuất sang mà bị trả về thì không ai chịu trách nhiệm. Khẩu trang cũng giống những hàng hoá khác, không phải mặt hàng có điều kiện, phải chịu chung sự cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt phải tuân theo thông lệ quốc tế, quy định của nước sở tại".

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho rằng: Khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân khác đều là những mặt hàng có liên quan đến sức khỏe, sự an toàn của người sử dụng. Do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng đối với các mặt hàng này. Đối với các thị trường như châu Âu và Mỹ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Do vậy, các doanh nghiệp không đạt chuẩn, hàng hóa sẽ gặp khó khăn khi nhập khẩu và bị trả lại. Về vấn đề này, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và châu Âu cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế sẽ buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu. Sản xuất đại trà khẩu trang, đồ bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì có thể sẽ không xuất khẩu được vào châu Âu, gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) còn cho biết thêm, vừa qua, số lượng công ty tham gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ phòng dịch tăng lên rất nhanh. Đặc biệt, theo phản ánh của các đơn vị chứng nhận FDA (giấy chứng nhận theo yêu cầu của thị trường Mỹ) và CE thì quy trình để xin các giấy chứng nhận này mất từ vài tuần cho đến vài tháng… Vấn đề xin chứng chỉ chất lượng vào thị trường EU, Mỹ là trở ngại lớn, đây có thể là lý do khiến nhiều doanh nghiệp mất tiền môi giới để có được; song, vô hình lại rơi vào “bẫy” của họ”. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các thị trường như Mỹ, EU... thì họ có thể nới lỏng các điều kiện nhập khẩu các mặt hàng phòng dịch này. Tuy nhiên, khi dịch đã được kiểm soát hơn thì chắc chắn những thị trường này sẽ tăng cường kiểm soát trở lại. “Nếu hàng hóa của Việt Nam không đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn mà họ đưa ra thì khả năng hàng hóa của DN Việt Nam bị chặn là rất cao” - ông Hải cảnh báo.

Nói về chiến lược xuất khẩu khẩu trang, ông Hải cho biết, qua dịch COVID-19, vấn đề xuất khẩu khẩu trang là gợi ý tốt cho các doanh nghiệp Việt. Nếu như tranh thủ được cơ hội của thị trường, nên nhìn nhận khẩu trang là mặt hàng thiết yếu để duy trì sản xuất, mở rộng thị trường, thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu trong mùa dịch, rồi lại đóng cửa các phân xưởng, dây chuyền.

Gia Gia.