Từ dịch Covid, tái cơ cấu chuỗi sản xuất

00:00 12/10/2020

Từ tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nguồn cung, việc tái cơ cấu các chuỗi liên kết nội địa để phục vụ cho sản xuất công nghiệp là điều cần làm hiện nay, nhất là nên có cơ chế khuyến khích sản xuất sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.

Mặc dù nguồn nguyên liệu đầu vào khá đa dạng, được cung ứng từ hơn 200 doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam và các nước Braxin, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia…, thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bà Trần Thị Giang Thủy, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại Thái Bình, cho biết công ty ít nhiều bị gián đoạn nguồn cung.

Quá phụ thuộc nhập khẩu

Nhất là việc giao hàng chậm. Khi Trung Quốc ở thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 2/2020, tuy công ty không trực tiếp nhập nguyên liệu từ nước này nhưng các nhà cung ứng thì lại sử dụng đầu vào từ Trung Quốc, nên nguồn cung bị đứt gãy, không giao hàng kịp.

Như trường hợp nhà máy sản xuất tã lót và băng vệ sinh của Công ty Thái Bình tại Cuba, do dịch bệnh nên 50% nguyên vật liệu sản xuất được cung cấp cho nhà máy có xuất xứ từ Trung Quốc bị trục trặc, không giao hàng được.

Theo bà Thuỷ, việc tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu Trung Quốc xem ra rất khó dù bản thân DN lường trước rủi ro ở thị trường này. Nhưng bên cạnh đó, khâu chính sách cần xem lại. Chẳng hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước là không cho thanh toán chuyển khẩu khi mua hàng ở nước thứ 3.

“Đơn cử như Công ty Thái Bình mua hàng ở Mexico, Braxin để xuất khẩu sang Cuba thì quy định nêu trên của Ngân hàng Nhà nước làm cho các ngân hàng thương mại không thể hỗ trợ thanh toán mặc dù hợp đồng đã được ký”, bà Thuỷ lưu ý.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đối với các ngành như dệt may hay da giày, trong việc chuyển đổi nguồn đầu vào từ Trung Quốc sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc..., nhiều DN phản ánh là mức giá cao hơn nhiều so với mức giá nguyên liệu từ Trung Quốc.

Chưa kể, khi chuyển đổi nguồn cung sang một số quốc gia khác thì có thể là những nguyên vật liệu cao cấp hơn mà chưa chắc các nhà sản xuất ở Việt Nam có thể tương thích với nguồn nguyên liệu mới này.

Có thể thấy, việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Việt Nam là rất lớn. Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, chiếm 87,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2020 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 49,47 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực có đỉnh dịch từ trước đó như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 3/2020 hoặc giảm tốc ở mức độ thấp hơn tại các thị trường có kim ngạch lớn.

Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc trong tháng 3 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 3 tháng giảm 18%. Còn như nguồn cung từ Hàn Quốc trong tháng 3 giảm 0,7% nhưng tính chung trong cả quý I là tăng 2,4%. Hay như Nhật Bản trong tháng 3 thì chỉ tăng 2,3% nhưng cả quý thì tăng đến 15,8%. 

HINH-8922-1586254727.jpg

Đây là lúc cần tái cơ cấu các chuỗi liên kết phục vụ sản xuất công nghiệp

DN nội địa cần liên kết lại

Trong quý II này, để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Cần rà soát thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào nhằm có phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước.

Và điều quan trọng là các địa phương cần phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước thay vì phụ thuộc nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương lưu ý là có thể đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Mặt khác, cần có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.

Nhìn từ tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nguồn cung, nhiều ý kiến cho rằng cần thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

Đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Đối với các chương trình liên quan đến nguồn cung từ trong nước, giới chuyên gia khuyến nghị dù đang giữa mùa dịch bệnh nhưng các DN nội địa trong lĩnh vực sản xuất chế tạo cần đặt ra mục tiêu là tăng liên kết, hợp tác cung ứng với các nhà sản xuất nội địa cũng như tăng hoạt động “liên kết ngược” giữa các công ty đa quốc gia với nhà cung cấp trong nước.

Theo ông Lê Đăng Doanh, dịch Covid-19 chưa kết thúc và hiện nay cũng chưa dự đoán được hết những tác động toàn diện của dịch đối với nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam như thế nào. Cách của Việt Nam bây giờ là phải tái cơ cấu sản xuất.

“Theo tôi, các DN nội địa cần liên kết lại với nhau nhằm tạo ra độ lớn để có thể chống chọi được, để có thể hợp tác được và tham gia vào chuỗi cung ứng. Muốn hợp tác được thì các DN cần trao đổi chân thành với nhau, để biết thực chất thế mạnh và công nghệ của họ có thể hợp tác trong những lĩnh vực nào”, ông Doanh khuyến cáo.

Thế Vinh