Từ 12/10, lệ phí phương tiện đường thủy chạy tuyến Việt Nam - Campuchia sẽ được giảm hơn 10 lần !

22:52 30/08/2021

Theo thông tin từ đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, từ ngày 12/10/2021, phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia khi vào, rời cảng biển được áp dụng mức phí trọng tải, lệ phí ra/vào đối với cảng, bến thủy nội địa. Mức phí, lệ phí này thấp hơn đến khoảng hơn 10 lần so với hiện nay.

Theo đó, tại Thông tư số 74/2021 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016 quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải; có hiệu lực từ 12/10/2011) bổ sung quy định về phí, lệ phí đối với phương tiện thủy hoạt động tuyến Việt Nam - Campuchia.

Khu vực cửa khẩu đường thủy Vĩnh Xương, An Giang - Ảnh: Văn Phô
Khu vực cửa khẩu đường thủy Vĩnh Xương, An Giang - Ảnh: Văn Phô.

Cụ thể, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, từ 1/3/2020 đến nay, phương tiện vận tải thủy tuyến Việt Nam - Campuchia khi vào, rời cảng biển phải nộp phí, lệ phí hàng hải và nộp bằng tiền ngoại tệ (đồng USD) khiến giá trị phải nộp quy ra tiền Việt Nam cao gấp 10-11 lần so với thời điểm trước đó. Điều này xuất phát từ việc quy định không rõ ràng, dẫn đến các đơn vị thu phí hiểu, áp dụng theo mức phí, lệ phí hàng hải.

Vì vậy, theo kiến nghị của Cục Đường thủy nội địa VN và các doanh nghiệp vận tải, Thông tư số 74/2021 của Bộ Tài chính quy định áp dụng mức phí, lệ phí của cảng, bến thủy đối phương tiện thủy hoạt động tuyến vận tải Việt Nam - Campuchia khi vào, rời cảng biển.

Theo Hiệp định về vận tải thủy giữa Việt Nam và Campuchia, được Chính phủ hai nước ký kết ngày 17/12/2009, từ 20/1/2011, một số tuyến đường thủy thuộc hệ thống sông Mê Kông trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và Campuchia trở thành khu vực tự do giao thông thủy dành cho phương tiện thủy hai nước.

Sau 10 năm thực hiện Hiệp định, theo thống kê của Cục Cửa khẩu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tổng số có gần 28.000 lượt phương tiện thủy nhập cảnh, quá cảnh và gần 25.400 lượt phương tiện xuất cảnh, quá cảnh.

Đáng chú ý, vận tải thủy container bằng phương tiện thủy Việt Nam và Campuchia hiện nay rất phát triển. Mỗi tuần có khoảng 20 chuyến phương tiện từ 160-200 Teus thông qua cửa khẩu, tương ứng hơn 1.000 chuyến/năm (160.000 đến 200.000 Teus/năm).

Trung bình hàng năm có hơn 1 triệu tấn hàng hóa (chủ yếu là xăng, dầu, bê tông, thức ăn chăn nuôi, phân bón,..) được vận chuyển giữa hai nước. (Ảnh: Internet)
Trung bình hàng năm có hơn 1 triệu tấn hàng hóa (chủ yếu là xăng, dầu, bê tông, thức ăn chăn nuôi, phân bón) được vận chuyển giữa hai nước. (Ảnh: Internet)

Tuyến vận tải này đã giúp các phương tiện thủy chở hàng hóa, chở khách du lịch theo tuyến sông Tiền, sông Hậu cũng có thể chạy thẳng qua biên giới, đến tận Thủ đô Phnom Penh. Theo thống kê, trung bình hàng năm có hơn 1 triệu tấn hàng hóa (chủ yếu là xăng, dầu, bê tông, thức ăn chăn nuôi, phân bón,...) được vận chuyển giữa hai nước. 

Bên cạnh đó, tuyến vận tải Việt Nam - Campuchia không chỉ tăng sự kết nối giao thương, khơi thông vận tải tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối, gom hàng cho các tàu lớn tại cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải; TP. Hồ Chí Minh đi cảng Phnom Penh (Campuchia) qua cửa khẩu Vĩnh Xương - An Giang, Thường Phước - Đồng Tháp ./.

PL. (Theo Báo Giao thông)