Trước bài toán nhân lực ngành AI, đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn tài trợ Đại học Đà Lạt thành lập AI Center

21:22 08/05/2022

Trung tâm này sẽ góp phần giải quyết bài toán nhân sự ngành AI cho Việt Nam. Được biết đây là khoản tài trợ đầu tiên của IPPG về phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đồng thời là Trung tâm trí tuệ nhân tạo đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng. Với mục tiêu đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, IPPG đã tài trợ trường Đại học Đà Lạt thành lập Trung tâm Giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo.

Ngày 7-5, Trung tâm Giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Center - AIC) đặt tại Đại học Đà Lạt được khai trương, đây là Trung tâm trí tuệ nhân tạo đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng. 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Huỳnh Quang Long (áo trắng) và Trần Việt Hùng – Nguyên Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng (aó xanh), ông William Hiếu Nguyễn – Phó Tổng Giám đốc IPPG ((chính giữa),ông Nguyễn Văn Vinh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đà Lạt  (thứ 5 từ phải sang) cắt băng khánh thành AIC.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Huỳnh Quang Long (áo trắng) và ông Trần Việt Hùng – Nguyên Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng (aó xanh), ông William Hiếu Nguyễn – Phó Tổng Giám đốc IPPG ((chính giữa),ông Nguyễn Văn Vinh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đà Lạt (thứ 5 từ phải sang) cắt băng khánh thành AIC. 

Tại buổi lễ Tiến sĩ Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đà Lạt hứa hẹn, AIC trường Đại học Đà Lạt sẽ hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần đưa trường Đại học Đà Lạt trở thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và đào tạo AI hàng đầu của khu vực Tây Nguyên, là nơi góp phần tuyển chọn, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực AI, phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên và đất nước. 

Hiếu Nguyễn là con út của gia đình tài phiệ Johnathan Hạnh Nguyễn, sinh năm 1999, vừa tốt nghiệp Quản trị kinh doanh tại London. Cách đây không lâu, chàng trai này cũng gây xôn xao khi là một trong 4 cổ đông chủ chốt góp vốn tại Công ty cổ phần IPP Air Cargo, chung tay cùng cha xây dựng hãng hàng không IPP Air Cargo. Ngoài ra, Hiếu Nguyễn còn nằm trong ban lãnh đạo, đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Phát triển kinh doanh IPPG, phụ trách IPPTech, eDigi, các lĩnh vực công nghệ và AI, logistics và các dự án Thành phố thông minh của Tập đoàn.
Ông Hiếu Nguyễn - con út của gia đình Johnathan Hạnh Nguyễn, sinh năm 1999,  nằm trong ban lãnh đạo, đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Phát triển kinh doanh IPPG, phụ trách IPPTech, eDigi, các lĩnh vực công nghệ và AI, logistics và các dự án Thành phố thông minh của Tập đoàn. 

Ông William Hiếu Nguyễn cho biết: “IPPG sẽ tài trợ và thành lập nhiều trung tâm AIC trên khắp cả nước, với mục tiêu đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ, đào tạo thế hệ trẻ trở thành công dân toàn cầu để thích ứng với việc hội nhập và đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của đất nước. Mục tiêu của AIC là giúp học sinh, sinh viên theo đuổi ước mơ trở thành các tài năng AI, các chuyên gia AI, tạo nền tảng giúp lao động Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Bằng cách giáo dục và đưa AI vào cuộc sống, một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ kinh tế – công nghệ đầy hứa hẹn sẽ được hình thành, góp phần đưa Việt Nam bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ và kinh tế toàn cầu.

Trước đó, ngày 24/04/2021, AI Center (AIC) - Chương trình Trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức được ra mắt tại Khu công nghệ phần mềm ĐHQG - HCM (ITP).

Với tham vọng trở thành một trung tâm về trí tuệ nhân tạo (AI) của ASEAN vào năm 2030, chính phủ và nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang khởi động các chương trình thúc đẩy đầu tư cho công nghệ này.

Chính phủ Việt Nam mới đây đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo về AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới. Chiến lược này nhằm mục đích xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và phát triển ba trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao quốc gia.

Mặc dù trong cuộc đua AI, nhân lực là con át chủ bài, tuy nhiên đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều trung tâm nghiên cứu cũng như đào tạo nhân lực cho ngành này.

Cuộc chiến nhân tài đã hút lượng đáng kể nguồn nhân lực AI còn mỏng của Việt Nam, trong khi việc đào tạo nhân lực ngành AI chuyên nghiệp vẫn còn yếu và thiếu.

Dù các trường đại học đang tăng tốc, thậm chí ký được thỏa thuận hợp tác với những đối tác công nghệ lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc,…. để mở ra các trung tâm nghiên cứu AI quốc tế tại Việt Nam, thì tốc độ và chất lượng đào tạo cũng được đánh giá là “khó theo kịp nhu cầu” vì số lượng trường đại học thực sự đào tạo tốt ngành này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngay cả đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, vốn được coi là “vòng ngoài” cho việc phát triển và ứng dụng các công nghệ số mới, cũng đang thiếu hụt khoảng 100.000 – 200.000 người mỗi năm. Theo báo cáo của Nexus FrontierTech năm 2019, nguồn nhân lực AI của Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường.

Nhưng nhu cầu nhân lực AI không chỉ cần những “tinh hoa” về công nghệ, mà còn đòi hỏi cả “phổ thông” – tức những người có khả năng ứng dụng AI trong ngành nghề của mình và có những kỹ năng hợp tác với AI một cách hiệu quả. Câu chuyện đào tạo đòi hỏi sự hợp tác của Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT và Bộ LĐTB&XH dưới sự điều hành của Nhà nước và Chiến lược AI.

Theo nhiều chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu nhân lực AI khổng lồ trong vòng 10 năm tiếp theo, Việt Nam cần dành khoản đầu tư lớn để triển khai đồng thời nhiều cách tiếp cận rộng rãi, bao gồm cả đào tạo chính quy, kết hợp đào tạo doanh nghiệp – viện trường, đào tạo trong cộng động và giáo dục trực tuyến mở đại trà (MOOCs).

Cuộc chạy đua của các ông lớn trong ngành

FPT, công ty dịch vụ công nghệ thông tin nổi tiếng tại Việt Nam, gần đây đã công bố sẽ chi 300 tỷ đồng (13,16 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển AI trong năm năm tới. Doanh nghiệp này đã đầu tư cho những nghiên cứu liên quan từ năm 2013. Đến nay, nó đã hình thành được một hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp và nền tảng giúp doanh nghiệp khác tối ưu hóa hoạt động và cải thiện hiệu suất, phục vụ hơn 14 triệu người dùng thiết bị đầu cuối.

Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành đơn vị dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, VNPT, một doanh nghiệp viễn thông xuất phát từ nhà nước, đang đẩy mạnh phát triển những công nghệ AI liên quan đến thành phố thông minh và chính quyền điện tử. Bắt tay với các địa phương, VNPT đã triển khai trên 30 trung tâm điều hành và giám sát thông minh (IOC) ở các tỉnh/thành phố trên toàn quốc, trong đó nhiều trung tâm đã đưa vào vận hành.

Những tập đoàn công nghệ khác như Viettel, Vingroup… cũng đang mạnh tay bỏ tiền vào nghiên cứu và phát triển AI. Để nâng cao năng lực nghiên cứu, Viettel và Vingroup đã tiên phong đầu tư vào công nghệ siêu máy tính với khả năng thực hiện trên 20 triệu tỉ phép tính/giây nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp trong tính toán. Trong khi Vingroup hướng vào các công nghệ ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, ô tô thông minh và xe tự lái, Viettel đặt trọng tâm đầu tư vào các công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển đổi giọng nói, chữ viết tiếng Việt với độ chính xác cao.

Cũng như FPT, Viettel đã phát triển các hệ thống AI của mình từ giai đoạn sớm những năm 2015. Với việc đưa ra nền tảng Viettel AI Open Platform vào vận hành, Viettel đang cung cấp một loạt công cụ giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tích hợp, thông minh hóa các ứng dụng của mình. Đến nay đã có hơn 70.000 cá nhân và tổ chức đăng ký sử dụng nền tảng này. Tập đoàn quân đội này cũng phát triển thành công một loạt công nghệ ứng dụng AI trong việc định danh, bảo mật và giám sát an minh. Nhưng không chỉ các tập đoàn lớn chạy đua AI, nhiều startup Việt hoặc có người Việt Nam sáng lập cũng theo đuổi lĩnh vực này. Một số đã ghi dấu ở thị trường quốc tế như ELSA Speak hay Harrison-AI. 

 Mỹ Dung