Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia- nơi ý tưởng gần lại hiện thực

00:00 12/10/2020

Mô hình một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tới đây của Việt Nam sẽ hoàn toàn không phải là một viện hay một cơ sở nghiên cứu mà thay vào đó sẽ đóng vai trò một hệ sinh thái đổi mới đầy đủ, ngang tầm với các trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.

Các start-up Việt Nam giao lưu về đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư đến từ thung lũng Silicon

Tham vọng về một NIC của Việt Nam khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dần lan tỏa đã được đề cập tại hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức tại Hà Nội ngày 31/10/2018 khi lần đầu tiên các nét chính của một trung tâm đổi mới sáng tạo thế hệ mới được các chuyên gia của CIEM giới thiệu.

Các trung tâm đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, trình diễn và chuyển giao công nghệ, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó các trung tâm đổi mới sáng tạo này còn mang một nhiệm vụ hết sức nặng nề là tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến cho các nước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó tạo ra hệ sinh thái đổi mới đầy đủ, hiện đại để nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể triển khai các ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ của mình.

Tuy nhiên theo TS Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh- CIEM thẳng thắn nhìn nhận, trên thực tế, những trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra tác động đáng kể về công nghệ, chủ yếu làm nhiệm vụ thu hút đầu tư đặc biệt là dòng vốn FDI vào các lĩnh vực sản xuất, không phải đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó sự lan tỏa công nghệ rất hạn chế.

Bên cạnh đó, các trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chưa lọt vào các bảng đánh giá, xếp hạng trên thế giới. Trong 10 năm qua, các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chưa tạo ra một công ty tầm cỡ tỷ “đô” nào.

Thực tiễn đó đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng tạo dựng mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, từ đó tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới ở Việt Nam, góp phần nâng cấp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một cách căn bản.

Theo các chuyên gia, khi đồng ý với việc xây dựng mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhìn thấy rõ việc phải tác động vào một điểm mấu chốt trong phát triển của Việt Nam trong bối cảnh các nước trong khu vực hiện đang tạo ra làn sóng cạnh tranh rất mạnh mẽ trong đổi mới sáng tạo.

Theo TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, NIC sẽ là một mô hình hoàn toàn mới, không phải là một viện hay một trường đại học mang dáng dấp nghiên cứu. Ngược lại nó sẽ là một doanh nghiệp xã hội, có 100% vốn tư nhân theo Luật doanh nghiệp 2014. Nó có thể nhanh chóng đi vào hoạt động và tạo ra kết quả cho nền kinh tế. Lãnh đạo ở đây có thể hưởng các mức thù lao, lương bổng không kém gì quốc tế.

“Chúng tôi sẽ không tạo ra một Bắc Ninh mới về thu hút đầu tư trong khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngược lại nó sẽ là cái lõi của khu công nghệ cao Hòa Lạc trong khi tập trung thu hút công nghệ”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

Theo các chuyên gia, một vấn đề cạnh tranh gay gắt nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là vấn đề nhân lực. TS Nguyễn Đình Cung kể, ngay cả những trung tâm đổi mới sáng tạo tốt nhất của Đức cũng luôn đau đầu với vấn đề nhân lực, lắm khi “bói” không ra. Trong bối cảnh như thế thì sự ra đời của NIC được kỳ vọng sẽ là một không gian thu hút được những nhân lực ở tầm cao cho đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng, NIC phải thể hiện được vai trò kích hoạt được các ý tưởng để đưa các ý tưởng đó vào cuộc sống với khoảng thời gian ngắn nhất.

Để mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành công cần có nhiều chính sách khác biệt và mới cho hoạt động của Trung tâm. Để đảm bảo định hướng chính sách và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ, mô hình NIC dự kiến đề xuất xây dựng bộ máy quản trị và điều hành theo hướng hợp tác công tư, có sự gắn kết chặt chẽ với Chính phủ, trong đó điều lệ hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định tôn chỉ mục đích cơ cấu tổ chức, lĩnh vực hoạt động và các ưu đãi đặc biệt. Hội đồng thành viên sẽ bao gồm đại diện của chủ đầu tư và của Chính phủ.

Theo đề xuất của CIEM, Trung tâm được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế cao nhất dành cho doanh nghiệp. Được miễn tiền sử dụng đất trong 20 năm và được phép cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động cùng lĩnh vực thuê lại mặt bằng với thời hạn tối đa của pháp luật.

Quy mô của NIC dự kiến 23 ha trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Mặt bằng xây dựng: 90.000 m2 sàn. Vốn đầu tư: 1.900 tỷ đồng (khoảng 82 triệu USD), trong đó 1.700 tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, 200 tỷ là vốn lưu động. Thực hiện trong 3 năm kể từ ngày khởi công 2019 và có thể bắt đầu hoạt động từ năm thứ 2.

Quang Lộc