Trung Quốc thúc đẩy triển khai dịch vụ nhắn tin công nghệ 5G

17:10 05/10/2021

Ba nhà khai thác mạng di động lớn của Trung Quốc dự kiến sẽ sớm triển khai dịch vụ nhắn tin 5G trên toàn quốc, tích hợp các chức năng video, âm thanh và thanh toán điện tử, có khả năng cạnh tranh với siêu ứng dụng WeChat của Tencent Holdings.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: AP)

Theo báo cáo của China Securities Journal, dịch vụ mới của China Mobile, China Telecom và China Unicom dự kiến sẽ chạy thử nghiệm thương mại ban đầu vào nửa cuối tháng này. Huang Changjian, phó tổng giám đốc trung tâm sản phẩm của China Unicom, tiết lộ kế hoạch triển khai trong một diễn đàn tại Triển lãm Thông tin và Truyền thông Quốc tế Trung Quốc vào tuần trước. Đây là sự kiện thường niên có tên gọi PT Expo China được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 27 đến 29 tháng 9 Trung Quốc. Tại đây, Mobile, China Telecom và China Unicom đã có kế hoạch giới thiệu dịch vụ vào tháng 4 năm ngoái.

Dịch vụ 5G mới sẽ cho phép người dùng gửi văn bản, ảnh, video và âm thanh trực tiếp qua cửa sổ tin nhắn trên điện thoại thông minh mà không cần tải xuống ứng dụng. Đồng thời công nghệ mới cung cấp phương tiện hỗ trợ các cơ quan chính phủ, công ty cung cung cấp dịch vụ tương tác trực tiếp với các thuê bao di động thông qua chatbots. Ba công ty cho biết: "Nhắn tin 5G sẽ trở thành một xu thế mới cho nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau".

Việc ra mắt dịch vụ nhắn tin mới sẽ tận dụng lợi thế của số lượng thuê bao di động 5G đang tăng nhanh trên thị trường điện thoại thông minh, internet và 5G lớn nhất thế giới. China Mobile, nhà điều hành mạng không dây lớn nhất thế giới tính theo số người đăng ký, đã ghi nhận 304,14 triệu người dùng 5G trên tổng số 951,1 triệu thuê bao vào cuối tháng 8. China Telecom có 146,62 triệu thuê bao 5G trong cùng thời kỳ, trong khi China Unicom có 129,1 triệu người dùng mạng 5G.

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 600.000 trạm 5G trong năm nay, đẩy nhanh việc triển khai mạng di động thế hệ tiếp theo tại các thành phố lớn của đất nước. Tính đến tháng 10 năm ngoái, đã có gần 700.000 trạm gốc 5G được xây dựng trên khắp đất nước. Trong khi nhiều người coi 5G là một bản nâng cấp kỹ thuật lên 4G, hệ thống không dây thế hệ tiếp theo được kỳ vọng sẽ là nền tảng chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn được gọi là Công nghiệp 4.0, đẩy nhanh quá trình tự động hóa của các ngành công nghiệp truyền thống.

Trong một bài báo đăng trên WeChat tuần trước, China Mobile cho biết công ty đã làm việc với Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngân hàng thương mại cho vay tài sản lớn nhất thế giới, để tung ra ví tiền nhân dân tệ kỹ thuật số như một phần của dịch vụ nhắn tin 5G, cho phép người đăng ký kiểm tra số dư, bảng sao kê và chuyển tiền trực tiếp vào danh bạ. Tuy nhiên, các nhà phân tích không hy vọng dịch vụ nhắn tin 5G mới của nhà mạng sẽ đe dọa WeChat với 1,1 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày tính đến tháng 1 năm nay. Theo một số ước tính, người dùng WeChat dành trung bình 77 phút mỗi ngày trên ứng dụng. Liu Xingliang, một chuyên gia công nghệ và internet độc lập, trả lời tờ South China Morning Post vào tháng 4: “Công nghệ nhắn tin 5G sẽ không gây ra mối đe dọa cho WeChat vì cần phải có thời gian và nỗ lực rất lớn để tạo ra một hệ sinh thái có quy mô như vậy".

Duy Đức