Trung Quốc thúc đẩy bình đẳng kinh tế trong thời kỳ nhạy cảm

14:46 08/09/2021

Mong muốn truyền bá “thịnh vượng chung” nhưng trong bối cảnh thiếu hụt vật chất và nhân lực dưới tác động đại dịch có thể gây rắc rối cho chính bản thân Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Trong nhiều thập kỷ, mục tiêu của Trung Quốc là theo đuổi tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trên trường quốc tế. Tại thời điểm này, lời hứa mới nhất từ Bắc Kinh là mở rộng “miếng bánh kinh tế” và phân chia đồng đều.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch trong tháng này nhằm truyền bá “sự thịnh vượng chung” ở một trong những nền kinh tế có tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo sâu sắc trên thế giới, báo hiệu chuyển hướng từ việc theo đuổi tăng trưởng của những người tiền nhiệm và báo trước một cuộc đàn áp gay gắt đối với giới tinh hoa giàu có, bao gồm cả nhóm công nghệ đang phát triển.

Tuy nhiên, sự thay đổi đến vào một thời điểm mong manh hơn bao giờ hết. Các dấu hiệu của áp lực đang xuất hiện trong nền kinh tế Trung Quốc khi đại dịch chưa chấm dứt, biến thể Delta vẫn đang hoành hành và thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu thô. Từng là quốc gia có tăng trưởng ấn tượng trong thời kì đầu của dịch bệnh, Trung Quốc hiện khiến các nhà đầu tư quốc tế lo sợ về sự bùng nổ trong mùa hè có thể là điềm báo cho đợt sụt giảm dài hạn hơn kéo dài đến năm 2022.

Diana Choyleva, một nhà kinh tế học theo dõi thị trường Trung Quốc tin rằng, tăng trưởng sẽ suy yếu trong quý 3 xuống còn 0,9% từ 1,3% trong ba tháng đến ngày 30 tháng 6 và nguyên nhân là do “những khó khăn trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn vất vả để phục hồi”. Theo bà, quyết tâm của ông Tập nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là một bước đi nguy hiểm trong bối cảnh Covid-19 còn bùng phát.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc là một trong những nước có số đo bất bình đẳng cao nhất, sau Mỹ. Tình trạng này xuất hiện sau khi đất nước tỉ dân theo đuổi sức mạnh kinh tế trong nhiều thập kỷ qua từ thời Chủ tịch Đặng Tiểu Bình lần đầu tiên mở cửa đất nước với thương mại toàn cầu vào năm 1978. Làm như vậy cốt để “nâng” một số người trở nên giàu có trước và sau đó giúp đỡ các khu vực nghèo về lâu dài. Dưới sự thay đổi do ông Tập lãnh đạo, trọng tâm sẽ là chất lượng tăng trưởng kinh tế với những tác động tiềm tàng đối với các quốc gia khác trên thế giới. Các tỷ phú nói chung và những người hưởng lợi khổng lồ từ ngành công nghệ nói riêng, liên tiếp có động thái được cho là “xoa dịu” chính quyền bằng các khoản quyên góp và thông điệp ủng hộ cho xã hội.

Trang web thương mại điện tử Pinduoduo được niêm yết tại Nasdaq cho hay, vào đầu năm nay công ty sẽ quyên góp lợi nhuận quý II và tất cả các khoản thu nhập trong tương lai để giúp phát triển nông nghiệp của Trung Quốc cho đến khi số tiền quyên góp đạt ít nhất 10 tỷ Nhân dân tệ (1,5 tỷ USD). Động thái này đã khiến cổ phiếu của Pinduoduo tăng 22%. Tencent niêm yết ở Hồng Kông đã dành 50 tỷ NDT cho các chương trình phúc lợi hỗ trợ các cộng đồng có thu nhập thấp, nâng tổng số tiền cam kết từ thiện trong năm nay lên 15 tỷ USD.

Nghịch lý là, Trung Quốc đang tiến tới hạn chế các công ty trong nước niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ trong một động thái đe dọa đến sự phát triển của nhóm doanh nghiệp vốn là biểu tượng cho tốc độ tăng trưởng kinh tế kỷ lục. Rana Mitter, Giám đốc Trung tâm Đại học Oxford Trung Quốc, chia sẻ quan điểm “thịnh vượng chung” xuất phát từ mối quan tâm thực sự rằng các mô hình kinh tế trước đây đã tạo ra tăng trưởng những cũng đem lại sự bất bình đẳng. Ông nhận định: “Các quan chức cũng lo sợ rằng những gã khổng lồ công nghệ và những người điều hành vượt quá tầm kiểm soát”.

Nhà kinh tế Trung Quốc của Natwest, Peiqian Liu, cho rằng nỗ lực của ông Tập nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo “đánh dấu sự khởi đầu của cải cách cấp quan liêu, theo đó các quan chức chính quyền địa phương sẽ không còn bị áp lực để đạt được các mục tiêu GDP cao nữa; thay vào đó, chúng sẽ được đánh giá bằng nhiều chỉ số khác nhau để đạt được mức tăng trưởng chất lượng hơn”. Phía Mitter cho biết, Bắc Kinh phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để cân bằng giữa virus và nhu cầu duy trì tăng trưởng kinh tế.

TL