Trung Quốc thành lập “gã khổng lồ” đất hiếm thuộc sở hữu nhà nước

14:07 24/10/2021

Theo nguồn tin, Trung Quốc sẽ tái cơ cấu ba nhà sản xuất đất hiếm để thành lập một công ty nhà nước với gần 70% hạn ngạch sản xuất quốc nội đối với các kim loại thiết yếu cho các sản phẩm công nghệ cao.

Một mỏ đất hiếm ở Nội Mông, Trung Quốc
Một mỏ đất hiếm ở Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Kyodo)

Động thái này nhằm đẩy nhanh sự phát triển của các nguồn tài nguyên và công nghệ chế biến, cũng như tăng cường kiểm soát của Bắc Kinh đối với lĩnh vực khai khoáng trước những căng thẳng thương mại kéo dài với Washington.

Bằng cách tái cơ cấu các công ty đất hiếm lớn của đất nước, chính phủ tìm cách mở rộng quyền kiểm soát từ sản xuất đến toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả xuất khẩu. Động thái này diễn ra khi Hoa Kỳ đang tìm cách tạo ra một chuỗi cung ứng thay thế cho đất hiếm thông qua hợp tác với Úc.

China Minmetals Corporation (CMC), một công ty tài nguyên lớn thuộc sở hữu nhà nước và China Aluminium Corporation, một công ty kim loại màu lớn thuộc sở hữu nhà nước cùng chính quyền thành phố Ganzhou ở tỉnh Giang Tây, khu vực nổi tiếng với các mỏ đất hiếm, đang lập kế hoạch cho ra đời công ty con niêm yết của CMC. Peng Huagang, Tổng thư ký của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước, cơ quan giám sát các doanh nghiệp nhà nước, cho biết tại một cuộc họp báo trong tuần này rằng chính phủ sẽ “thúc đẩy tái cơ cấu đất hiếm để tạo ra một công ty đẳng cấp thế giới". Mặc dù định nghĩa về "tái cấu trúc" không rõ ràng, nhưng nếu đây là thương vụ sáp nhập toàn phần thì thị phần của công ty mới trong hạn ngạch sản xuất đất hiếm vừa và nặng ở Trung Quốc sẽ chiếm gần 70%, bao gồm cả đất hiếm nhẹ gần 40%.

Đất hiếm vừa và nặng, chẳng hạn như dysprosi và terbi, được coi là cần thiết để sản xuất nam châm hiệu suất cao, được sử dụng trong động cơ và các thành phần khác của xe điện, công nghệ máy bay không người lái và tên lửa của quân đội Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu đã coi kim loại này là một phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Ông chỉ ra “đất hiếm là một nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng”. Một dự thảo luật về đất hiếm  đã được đưa ra vào tháng giêng và đang được thảo luận tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc chiếm 60% sản lượng đất hiếm trên thế giới. Các điểm đến xuất khẩu hàng đầu là Nhật Bản (49% theo giá trị), tiếp theo là Mỹ (15%). Trong chiến lược đối ngoại, đất hiếm cũng có thể được sử dụng như một con át chủ bài ngoại giao. Khi Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku vào năm 2010, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm như một biện pháp để gây áp lực với phía Nhật Bản. Các nhà phân tích cảnh báo, động thái mới nhằm tái cơ cấu ngành công nghiệp đất hiếm có thể ảnh hưởng đến nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản và Mỹ.

TL